Người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật: Đề xuất mới có đủ sức răn đe?

Giới nghệ sĩ, người nổi tiếng, những người có học hàm, học vị hay danh hiệu được Nhà nước phong tặng từng được xem là biểu tượng của tài năng, tri thức, thậm chí là hình mẫu để công chúng noi theo. Nhưng trước cám dỗ của đồng tiền, một số người đã chọn "bỏ qua" trách nhiệm xã hội để đổi lấy lợi ích cá nhân.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, thành viên ban soạn thảo dự thảo luật Quảng cáo (sửa đổi), ngày 15.4, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội sẽ mời các chuyên gia góp ý cho dự thảo sau khi đã được sửa đổi lần cuối. Theo đó, sẽ đề xuất tước bỏ danh hiệu (NSND, NSƯT) với nghệ sĩ; tước bỏ học hàm, học vị đối với giáo sư, tiến sĩ khi vi phạm quảng cáo sai sự thật bên cạnh việc tăng mức phạt hành chính, tùy theo mức độ nghiêm trọng gây ra cho xã hội. Với nghệ sĩ có thể bị cấm quảng cáo dưới bất cứ hình thức nào.

Người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật: 'Cú giáng' nhức nhối với đề xuất mới- Ảnh 1.

Những người nổi tiếng như hoa hậu Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục trong một phiên livestream quảng cáo kẹo rau củ Kera

ẢNH: FANPAGE K.V

Trong thời đại mạng xã hội chi phối rất lớn đối với các hành vi tiêu dùng thì một dòng trạng thái, một clip review, hay một lần livestream bán hàng của người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng với công chúng, có thể tác động đến hàng triệu người. Với tầm ảnh hưởng đó, người nổi tiếng đã trở thành một "thương hiệu sống", một "người bán hàng thời thượng" có thể xoay chuyển diễn biến thị trường.

Khi người nổi tiếng dùng uy tín, danh hiệu thật của mình để tạo niềm tin, dẫn dắt công chúng đến những sản phẩm "ảo", không chỉ người tiêu dùng bị hại, bị tổn thương mà chính danh hiệu đó cũng bị vấy bẩn. Trước không ít thông tin liên quan nghệ sĩ tên tuổi, người có học hàm/học vị quảng cáo sai sự thật, nhiều ý kiến cho rằng phạt hành chính là chưa đủ. Những ngày qua, việc vướng vòng lao lý như trường hợp của Quang Linh Vlogs hay hoa hậu Thùy Tiên bị hoãn xuất cảnh… càng minh chứng mạnh mẽ rằng: không ai đứng trên pháp luật.

Và nay, đề xuất tước danh hiệu hay học hàm, học vị với người nổi tiếng vi phạm cũng sẽ là một bước thanh lọc cần thiết trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội đang bát nháo, nhiễu loạn. Với nghệ sĩ, việc bị tước danh hiệu xem như mất cả sự nghiệp, rất khó "quay đầu"; hay nói cách khác, đó cũng là lúc niềm tin yêu và mến mộ của công chúng hoàn toàn sụp đổ. "Cú giáng" này nhức nhối nhưng rất cần thiết để những giá trị thật được trở về đúng vị trí.

Ngành nghề nào cũng vậy, đạo đức phải luôn là nền móng. Và càng nổi tiếng thì càng phải biết giữ cho nền móng ấy vững chắc. Không thể phủ nhận những đóng góp của nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng trong việc lan tỏa giá trị văn hóa, truyền cảm hứng sống lành mạnh, làm phong phú đời sống tinh thần... Song, danh hiệu chưa bao giờ là đặc quyền để người nổi tiếng đứng ngoài vòng đạo đức và pháp luật.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao