Luật pháp nghiêm trị kẻ 'sâu dân, mọt nước'

Tội tham ô nhiều vượt trội tội đưa hối lộ

Luật pháp chính là thước đo cho tính công bình trong xử tội, trong đó có tội tham ô, hối lộ. Thời Lê sơ, luật lệ, điển chế có bộ Hình thư (Nguyễn Trãi soạn); Quốc triều luật lệnh (Phan Phu Tiên soạn); bộ Quốc triều hình luật; Thiên Nam dư hạ tập (Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận soạn)… Riêng trong bộ Quốc triều hình luật có 10/13 chương mang những điều luật liên quan tới vấn đề xử tham ô, hối lộ, gồm 102 điều trong tổng số 722 điều, tức là chiếm gần 1/7 các điều luật.

Trong 102 điều, chỉ có 4 điều xử lý tội đưa hối lộ hoặc là trung gian đưa hối lộ thuộc Chương Vi chế (Điều 41, Điều 43, Điều 44 và Điều 76); 98 điều còn lại là xét xử tội tham nhũng. Như vậy đối tượng tham nhũng có tính chủ động cao hơn là đối tượng đưa hối lộ, đút lót.

Luật pháp nghiêm trị kẻ 'sâu dân, mọt nước'- Ảnh 1.

Tra khảo tội nhân

ẢNH: TRANH KHẮC GỖ CỦA HENRI OGER

Trong Quốc triều hình luật, Điều 41 thuộc Chương Vi chế quy định: "Những kẻ đến cầu cạnh với quan chủ ty việc trái pháp luật và kẻ vì người khác mà đến cầu cạnh thay, đều xử tội biếm hay phạt"; Điều 43 Chương Vi chế viết: "Những kẻ ỷ thế nhà quyền quý để cầu cạnh xin quan tước, thì xử tội biếm hay đồ; kẻ dưới quyền quan ty cũng bắt tội như thế". Rõ ràng, mức độ xử lý tội đưa hối lộ, trung gian đưa hối lộ là vừa phải, thấp nhất là xử tội biếm (giáng chức) đến tội đồ (giam cầm, lao động khổ sai).

Với tội tham ô, Quốc triều hình luật có nhiều cấp độ xét xử với biên độ rộng: biếm tư (một đơn vị phẩm trật), biếm chức, xử tội lưu (lưu đày), phạt trượng, đánh roi, phạt tiền, bãi chức, tội đồ cho đến xử tử. Mức nhẹ nhất là biếm tư kẻ phạm tội tham ô, nặng hơn là biếm, bãi chức, tước hết mọi chức vị, như Điều 42 Chương Vi chế là một dẫn chứng: "Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ từ 1 - 9 quan thì xử tội biếm hay bãi chức". Năm Đinh Hợi (1467), Tây quân đô đốc Lê Thiệt "cho binh sĩ dưới quyền chỉ huy của mình đi tuần ngoài biên giới, dọa nạt người châu Thoát để lấy bạc, việc này phát giác, cho nên bị bãi chức" là một ví dụ.

Ngoài bị biếm tư, biếm chức hoặc xử tội lưu, tội đồ, kẻ tham nhũng còn phải trả lại của cải, tiền bạc tham ô và bị phạt tiền, bồi thường tiền đã nhũng nhiễu của dân hay của nhà nước. Cũng có trường hợp thêm hình phạt là phạt trượng hoặc đánh roi để kẻ phạm tội lấy đó làm thẹn. Trong số 98 điều xử tội tham nhũng của Quốc triều hình luật, có gần 10 điều luật đưa ra mức xử tử đối với tội này.

Luật pháp nghiêm trị kẻ 'sâu dân, mọt nước'- Ảnh 2.

Thống kê những điều luật liên quan đến xử lý hối lộ, tham nhũng trong Quốc triều hình luật

ẢNH: TRẦN ĐÌNH BA

Luật pháp nghiêm minh

Thực tế, đa phần các vụ tham nhũng đều căn cứ vào pháp luật để xử đúng người, đúng tội. Năm Đinh Hợi (1467) Hán Tông Nghiệp đưa hối lộ, Giám sát ngự sử Quản Công Thiêm biết nhưng không đàn hặc, tố cáo. Việc bị phát giác, Hán Tông Nghiệp bị xử tội đưa hối lộ, Quản Công Thiêm chiểu theo luật cũng bị bắt giam. Sự trạng này theo Điều 24 Chương Vi chế: "Nếu vì thân tình hay thù oán mà cố ý làm sai sự thực thì sẽ chiếu theo sự tình nặng nhẹ mà tăng thêm tội; nếu ăn tiền hối lộ thì xử tội thêm 2 bậc"; hay năm Đinh Hợi (1467), Hình bộ Thượng thư Đỗ Tông Nam ăn hối lộ, giao cho pháp ty theo luật xét tội. Căn cứ Điều 42 Chương Vi chế, Điều 54 Chương Đoán ngục… Đỗ Tông Nam bị bãi chức.

Một số vụ án, đặc biệt là những vụ án đối với đội ngũ công thần, pháp luật có chiều hướng giảm nhẹ. Năm Đinh Tỵ (1437), Nội mật viện sứ Lê Cảnh Xước nhận hối lộ 20 lạng bạc đáng tội chết, nhưng vì có công hầu hạ lâu ngày nên chỉ bãi chức. Cũng năm này, Nguyễn Nhữ Soạn nhiều lần phạm tội tham ô, bị Thị ngự sử Đinh Cảnh An đàn hặc nhưng vua Lê Thái Tông vẫn thăng lên làm Chính sự viện tham nghị…

Những vụ xử tham nhũng có thể khép vào tội chết phải trình lên vua xem xét. Vua Lê xét công trạng, đóng góp của người phạm tội xem có xứng được khoan hồng, giảm nhẹ rồi mới quyết định. Và ý kiến của vua là tối thượng, không ai có thể ngược mệnh vì "vua là chủ tể cả nước nên thu cả vào trong tay quyền lập pháp (ngoài quyền tư pháp và hành chính), bởi vậy vua là một vị pháp quan tối thượng có toàn quyền quyết nghị về các trọng tội, có toàn quyền kiểm soát việc tư pháp", sách Xã hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp ghi.

Đa phần những vụ tham ô, hối lộ được xét xử ứng với pháp luật đã quy định, cho thấy được tính công bằng của luật pháp đối với loại tội này. Nhờ đó mà tính răn đe, ngăn ngừa cao để những kẻ có hành vi tư lợi lấy đó làm gương mà "co vòi, rụt cổ" tránh đi vào vết xe đổ lầm đường, lạc lối. Về hiệu quả của pháp luật nhà Lê sơ đối với việc trị nước, Việt Nam văn minh sử của Lê Văn Siêu nhận xét: "Ta đủ thấy pháp lệnh nghiêm và công minh như thế nào […]. Ta thấy rõ là pháp lệnh của vua đã không vị riêng các quan để lấy vây cánh chân tay trung thành, mà càng đối với quan chức lớn pháp lệnh lại càng nghiêm thiết và trừng trị gắt gao hơn nếu những người này phạm tội". (còn tiếp)

(Lược trích từ tác phẩm Nhà Lê sơ (1428 - 1527) với công cuộc chống nạn "sâu dân,
mọt nước" - NXB Tổng hợp TP.HCM, có bổ sung tư liệu)

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao