Gia tài của cha trở thành ký ức thế giới
TS Lê Y Linh, con gái nhạc sĩ Hoàng Vân, đã đọc không biết bao trang tài liệu úa màu, gọi không biết bao nhiêu cuộc điện thoại, nhắn rất nhiều tin nhắn cho các cơ quan và cá nhân. Bà xin từ lý lịch tự thuật của nhạc sĩ, đến phỏng vấn của phóng viên và lời kể của đồng nghiệp, bạn bè…, sưu tầm sách báo, băng đĩa, lưu trữ ghi âm… "Có những nhà sưu tập đã cho tôi bản in duy nhất anh đang có, có người tặng lại chúng tôi những bản nhạc, bản thảo, cuốn sách… vẫn còn giữ qua hơn nửa thế kỷ, hay gửi cho chúng tôi những tệp tin âm thanh tưởng như không bao giờ tìm lại được…", bà Linh cho biết.

Nhạc sĩ Hoàng Vân chỉ huy dàn nhạc tại Phòng thu âm VOV (đầu những năm 1960)
ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP
Em trai của bà Linh là nhạc trưởng Lê Phi Phi cũng tham gia quá trình hình thành bộ sưu tập âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân - di sản tư liệu được UNESCO ghi danh là ký ức thế giới hôm 10.4 vừa qua. "Em tôi, nhạc trưởng Lê Phi Phi chịu trách nhiệm hiệu đính, so sánh các bản thảo, số hóa, thậm chí khôi phục tác phẩm bằng cách ghi âm qua các bản thu thanh", bà Linh cho biết.
GS-TS Matthew Gelbart (ĐH Fordham, Mỹ) đánh giá bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân "gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ từ trường phái VN tới cộng đồng quốc tế về sự lan tỏa của âm nhạc cổ điển châu Âu. Nhờ đó, di sản này sẽ có tác dụng tích cực đối với các học giả quốc tế trong và ngoài lĩnh vực âm nhạc". Trong khi đó, TS François Picard (ĐH Sorbonne, Pháp) khẳng định: "Đây là kho lưu trữ cho tương lai, vì chúng làm nổi bật tầm quan trọng của sáng tác âm nhạc trong việc xây dựng một nền văn hóa hiện đại trong bối cảnh hậu thuộc địa"…
Nhạc sĩ Hoàng Vân có thể nói đã may mắn khi cả hai người con đều hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. TS Lê Y Linh cũng như nhạc trưởng Lê Phi Phi đều có những phần việc chuyên môn rất cụ thể trong quá trình làm hồ sơ di sản. Họ cũng kết nối với các học giả quốc tế để có những đánh giá cần thiết về ông và bộ sưu tập. Theo đó, nhạc sĩ Hoàng Vân được nhìn nhận như là một trong những nhà soạn nhạc VN quan trọng nhất cuối thế kỷ 20. Sáng tác của ông đặt ra chuẩn mực mới cho âm nhạc hòa tấu tại VN, có thể so sánh với các nước láng giềng ở Đông Á và Đông Nam Á.
Cục Di sản văn hóa đánh giá việc bộ sưu tập tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Vân trở thành ký ức thế giới, di sản tư liệu thế giới do UNESCO ghi danh là dấu mốc quan trọng trong công tác bảo vệ di sản tư liệu (lĩnh vực âm nhạc) thuộc sở hữu gia đình, cá nhân. Nó cũng có thể mở đường cho những ký ức thế giới khác bước ra từ di sản của các gia đình…
Ký ức thế giới đa lĩnh vực
Một trong những giá trị của bộ sưu tập âm nhạc Hoàng Vân là qua đó có thể nghiên cứu và tìm thấy giá trị âm nhạc trong thời đại ông sống và sáng tác. Có thể thấy được giá trị âm nhạc bản địa, cũng có thể thấy việc dàn nhạc theo biên chế châu Âu tại VN đã có thay đổi về trình độ ra sao. Bộ sưu tập cũng cho thấy việc nhạc sĩ Hoàng Vân phát triển hoạt động âm nhạc tại cung thiếu nhi, hay nghiên cứu về sự phát triển âm nhạc VN thời đó.

Bản thảo Thành đồng Tổ quốc của nhạc sĩ Hoàng Vân
ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP
Từ đây, chúng ta có thể đặt câu hỏi liệu VN có thể có thêm những ký ức thế giới khác từ tư liệu gia đình, tư liệu cộng đồng hay không? Trên thực tế, danh sách ký ức thế giới của UNESCO đã ghi danh khoảng 500 di sản. Trong đó, có những di sản thuộc văn học, mỹ thuật hoặc liên ngành văn học - mỹ thuật, âm nhạc… Một trong số này là 16 bản thảo viết tay và ghi chú của nhà văn Nga Dostoevsky, hé lộ quá trình hình thành của những tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt, Chàng ngốc…
Mặt khác, quá trình thực hiện hồ sơ ký ức thế giới của gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân cho thấy khó khăn khi tư liệu, hiện vật tản mát và có nguy cơ biến mất. TS Linh cũng nhắc tới nguy cơ mất mát tổng phổ, tư liệu của nhạc sĩ. "Chỉ một thế hệ nữa thôi, nếu không làm gì, những tài liệu này sẽ thất thoát, phân tán và lúc ấy sẽ là quá muộn để dựng lại một giai đoạn trong lịch sử âm nhạc VN một cách "nói (có thu âm) có sách (tổng phổ, bản thảo), mách có chứng", TS Linh đánh giá.
Nhìn sang mỹ thuật, có thể thấy di sản đang bị đe dọa của họa sĩ Nam Sơn - người được cho là học trò đầu tiên của ông Victor Tardieu, cũng là người khiến ông Tardieu quyết định mở Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN. Thông tin từ ông Ngô Kim Khôi, cháu của họa sĩ Nam Sơn, tác phẩm Nhà nho xứ Bắc dù đã được gia đình quyết định không bán để giữ lại làm Bảo tàng Nam Sơn, nhưng không hiểu sao vẫn xuất hiện trong phiên đấu giá của nhà Christie's. Nếu có thể, một bộ sưu tập về ông Nam Sơn cũng có thể trở thành di sản tư liệu thế giới.
Một tác giả khác cũng có thể kỳ vọng có bộ sưu tập trở thành ký ức thế giới là cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Đến thời điểm này, ông là một trong những nhà văn VN có tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất. Các nghiên cứu về tác phẩm của ông vẫn được tiếp tục thực hiện, cho thấy vị trí của ông trong văn học thời kỳ Đổi mới. Gia đình cũng còn lưu giữ tư liệu về ông.

Bản thảo, ghi chú của Dostoevsky trở thành ký ức thế giới
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Đặc biệt, bản thảo của Nguyễn Huy Thiệp vẫn còn có thể truy dấu. Còn nhớ, trong lần họa sĩ Lê Thiết Cương tổ chức triển lãm Bản thảo hồi năm 2006, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ: "Đến nay, nhiều bản thảo của tôi đã lưu lạc khắp nơi, nằm rải rác trong những bộ sưu tập cá nhân. Ví như ông Phạm Văn Bổng là người lưu giữ bản thảo khoảng 20 truyện ngắn của tôi từ năm 1986 - 2000. Mấy năm trước, có một nhà báo Nhật liên hệ ông Bổng hỏi mua bản thảo cuốn Tướng về hưu với giá 1.500 USD".
TS Lê Y Linh cho biết dù là sưu tập tư nhân, song từ khi khởi đầu sưu tập đến khi xét duyệt hồ sơ, bà nhận được sự ủng hộ cả về nội dung và kỹ thuật của Ủy ban Quốc gia UNESCO, từ Đại sứ VN tại UNESCO ở Pháp là bà Lê Thị Hồng Vân và bà Nguyễn Thị Vân Anh. TS Vũ Thị Minh Hương, chuyên gia của Ủy ban Tư vấn quốc tế thuộc Chương trình ký ức thế giới, cũng hỗ trợ hồ sơ này.
Mặc dù vậy, nỗ lực tìm kiếm, xây dựng từ phía gia đình vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Vì thế, để có một ký ức thế giới tiếp theo của VN từ các bộ sưu tập gia đình, có lẽ các cơ quan quản lý nhà nước về di sản cũng cần có hỗ trợ chuyên môn cho đối tượng này.