NHỮNG DINH THỰ "TÀI LỰC" TIÊU BIỂU
Đối diện với cầu Móng bên dòng kinh Tàu Hủ là một tòa nhà màu xám bạc khổng lồ. Tòa nhà 5 tầng, chiếm trọn một ô phố, xây dựng trong các năm 1929 - 1930. Tuy mang kiểu kiến trúc Néo Classic và Art Deco nhưng nó có rất nhiều chi tiết văn hóa bản địa. Ấn tượng nhất là các phù điêu thể hiện rắn thần Naga, bông sen và các hoa văn trang trí kiểu Khmer trên tầng áp mái. Tòa nhà là trụ sở chính của Banque de l'Indochine (BIC) - Ngân hàng Đông Dương ra đời ở Paris (1875). Là ngân hàng tư nhân nhưng BIC có đặc quyền phát hành tiền và làm nhiều dịch vụ tài chính quan trọng ở Đông Dương. BIC còn có chi nhánh ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác ở Đông Dương và Trung Quốc. Tòa nhà BIC nay là trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM.

Tòa nhà Ngân hàng Đông Dương (phải), hiện là Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM
Ảnh: Phúc Tiến
Cách tòa nhà BIC vài bước là tòa nhà Hongkong and Shanghai (HSBC), một ngân hàng Anh ngay năm 1870 đã mở chi nhánh tại Sài Gòn. Sau lưng tòa nhà, trên đường Hồ Tùng Mậu, có tòa nhà lớn nguyên là trụ sở Ngân hàng Standard Chartered của Anh. Đối diện bên kia đường là trụ sở cũ công ty Dainan Koosi của Nhật Bản. Sau 1975, cả ba tòa nhà đều do các đơn vị nhà nước quản trị.
Trong khi ấy tòa nhà Banque Franco Chinoise pour le Commerce et l'Industrie (BFC), gọi tắt là Ngân hàng Pháp - Hoa, chiếm lĩnh góc đường Hàm Nghi - Hải Triều. Điểm nhấn của tòa nhà nguyên mẫu là một tháp ba tầng với nóc nhà mang hình một quả chuông vĩ đại. BFC là ngân hàng lớn của Pháp, có nhiều chi nhánh ở Trung Hoa và Đông Dương. Ngày nay, tòa nhà này là trụ sở chi nhánh trực thuộc Ngân hàng BIDV của VN.

Tòa nhà nguyên mẫu Ngân hàng Pháp - Hoa BFC, lúc đầu thuộc công ty SFFC, nay là chi nhánh Ngân hàng BIDV
Ảnh: Bưu ảnh sưu tập của Nguyễn Đại Hùng Lộc
Gần BIC có một tòa nhà, tuy không phải là trụ sở ngân hàng nhưng kiểu dáng và uy thế lớn lao không kém. Đấy là trụ sở Phòng Thương mại, ra đời khoảng 1927 - 1928, nay là trụ sở Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM. Trước 1954, khu phố tài chính của Sài Gòn có đến hàng chục trụ sở ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm và các công ty hàng hải, ngoại thương "đóng quân". Sau đấy cho đến 1975, tại đây có trụ sở của khoảng 32 ngân hàng (18 VN và 14 nước ngoài), sử dụng nhiều cao ốc lớn nhỏ trên đại lộ Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Bến Chương Dương và Nguyễn Công Trứ. Đặc biệt, cao ốc đồ sộ 15 tầng tại số 8 Nguyễn Huệ, vừa mới xây xong chuẩn bị làm trụ sở Ngân hàng Quân đội thì chiến tranh kết thúc.
KHU PHỐ KIM TIỀN
Nguyên thủy khu phố tài chính bắt đầu từ ngã ba D'Adran (nay là Hồ Tùng Mậu) - Quai de Belgique (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt), kéo đến cầu Ông Lãnh, dọc kinh Tàu Hủ. Thời ấy, đường D'Adran nằm ở mặt sau Chợ Bến Thành cũ - trung tâm thương mại ngay bên kinh Chợ Vải (Nguyễn Huệ). Trong khi đó, con đường dọc kinh Tàu Hủ là con đường chính dẫn vào Chợ Lớn - trung tâm buôn bán của người Hoa và nơi đặt các nhà máy sơ chế nông sản. Cũng vì thế, gắn liền với con đường là tuyến xe tram đầu tiên, chạy bằng đầu máy hơi nước - tiền thân của Metro hiện đại, được thiết lập năm 1881. Với cầu Móng xây xong năm 1894 và cầu quay Khánh Hội hoàn thành năm 1904, việc di chuyển bằng xe ngựa và xe hơi, kể cả đi bộ giữa khu cảng Khánh Hội và khu phố tài chính càng trở nên dễ dàng.
Đầu thế kỷ 20, "khu phố kim tiền" dần dần mở sang đến hết đường La Somme (Hàm Nghi) và đường Charner (Nguyễn Huệ). Vì từ năm 1914, nhà ga xe lửa (nay là công viên 23.9) và chợ Bến Thành tân lập bắt đầu hoạt động, cùng lúc đường Galliéni (Trần Hưng Đạo) được xây cất hướng đến Chợ Lớn, hình thành nên khu vực giao thông - giao thương lớn. Trong đấy, trên đường Charner không phải ngẫu nhiên ra đời tòa nhà Kho bạc, một kiến trúc đẹp và là một đơn vị tài chính công, được đặt rất gần các đơn vị tài chính tư. Đáng tự hào, từ năm 1927, ở ngay góc Charner và Ohier (Tôn Thất Thiệp) đã xuất hiện trụ sở chính Ngân hàng An Nam do chính người VN sở hữu.
Việc quy hoạch khu phố tài chính liền kề khu thương cảng và các trung tâm thương mại là rất cần thiết. Tại đây, giới thương buôn, chủ tàu, chủ hãng kho vận, thuyền trưởng và giới tín dụng, bảo hiểm gặp nhau thuận tiện để "săn tin" và bàn thảo làm ăn. Trong khu phố, Nhà hàng Nam-kin ở số 11-13 Lefèbvre (Nguyễn Công Trứ) là một trong những nơi tụ tập nổi tiếng của giới kinh doanh và "dân
áp-phe" (affairs, những người môi giới) trước năm 1945. Ngày nay, với mạng lưới viễn thông cực nhanh, giao dịch tài chính sử dụng kỹ thuật số, các khu phố tài chính theo kiểu cổ điển đã thay đổi, song các tòa nhà xưa và cách xếp đặt vị trí vẫn còn phát huy tác dụng lớn. (còn tiếp)