Trường cũ không có tường rào và cổng chính, nằm lọt giữa những cây dương cao lớn và hàng cây gòn đầy trái. Bên cạnh trường là khu vườn rộng của một bà lão mù sống một mình. Ngôi nhà nằm chính diện mảnh vườn, lợp ngói đỏ nhưng vách thì đắp bằng loại đất sét trộn bùn và rơm khô. Chỉ đợi đến giờ ra chơi là chúng tôi chạy vào khu vườn đầy cây tạp ấy. Chếch phía đông là những gốc me già cổ thụ, chi chít quả nhưng quả nào quả đó chỉ bé bằng ngón tay. Chỉ cần một cơn gió thoảng qua, tiếng me rụng va vào lớp đất ẩm phủ đầy lá khô tạo thành những âm thanh rất nhẹ. Tôi nhặt những quả me chín đầy chiếc mũ cói rộng vành trong niềm phấn khích vô tận. Những quả me chín có lớp cơm màu nâu đỏ trở thành "của để dành" dễ thương trong cặp sách. Thi thoảng, gió cũng làm rơi những quả bồ kết đen bóng từ những cành đầy gai chi chít. Tôi gom chúng lại, bỏ ngay ngắn bên thềm nhà đắp đất nổi của bà lão, để ngày hôm sau, trong đủ mọi sắc hương của mùa quả ngọt, len theo gió là mùi bồ kết nấu nước gội đầu phảng phất, dịu đằm.
Bà lão thường ngồi bên chiếc võng treo ngang hai cây cột chính của mái hiên, đôi tai cảm nhận những bước chân rón rén của lũ học trò đạp lên mặt lá, đạp lên những vỏ me khô vỡ giòn răng rắc.
Tôi thích nhất khu vườn khi mùa hè gần đến. Khi ấy, dẫu cho gió cuối xuân vẫn còn pha chút lạnh thì lũ ve tập trung trên tầng tầng lớp lớp cành lá, đồng thanh đồng điệu điệp khúc quen thuộc như đã hẹn. Và khi ấy, ngoài niềm mong ngóng giờ ra chơi nhặt quả, còn thêm sự thích thú khi bắt được những chú ve đang say vũ điệu sắp hè. Tôi cất chúng trong một chiếc lọ nhỏ có đục lỗ thông hơi, để suốt chặng đường nắng chang chang khi tan học, tôi sẽ không còn cảm thấy đơn điệu một mình trên con đường về nhà.
Với bà lão mù, hình như khu vườn đã như một người bạn tâm giao, người bạn ấy rủ rê thêm nhiều thành viên mới đến và đi, cùng với những chuyển động theo mùa trong không gian râm mát. Bên hiên nhà có một lu nước cỡ lớn. Có lẽ màu nguyên thủy của nó là đỏ gạch nhưng bị đám rêu xanh xâm lấn nên chuyển thành màu xanh xám. Cả cái gáo múc nước bằng sọ dừa cũng thẫm xanh sắc rêu bám ướt trơn từ ngày này sang ngày khác. Khi đã chán chê nhặt và ăn quả chín trong vườn, chúng tôi dùng cái gáo nhỏ uống nước trong lu rồi mới quay lại lớp.
Cho đến tận sau này, trong bao ký ức chất chồng về thầy xưa bạn cũ, tôi không thể nào quên được tiếng ve không ngừng nghỉ bên khu vườn và hơi mát lạnh của lu nước đầy rêu xanh cũ kỹ. Bà lão ngồi đó, đôi mắt bất động nhưng từng biểu cảm thấp thoáng lướt qua trên gương mặt. Tôi đâu biết rằng, lu nước đầy rêu xanh ấy được chắt góp từ nhiều gàu nước nhỏ, mà bà lão, với cây gậy trong tay, theo thói quen lần theo con đường đất xách về từ giếng người hàng xóm.
Rồi mùa hè đến nhanh như đã hẹn. Rồi cũng đến lúc tôi rời ngôi trường nhỏ và khu vườn đầy trái rụng, đi qua thời áo trắng và bận rộn với bao suy tư về con đường phía trước.
Chiều nay, ngang qua trường cũ thấy cảnh xưa thay đổi đến bất ngờ. Xã nông thôn mới nên những điểm trường nhỏ lẻ như xưa cũng không còn mà thay vào đó là những phân trường tập trung được xây dựng khang trang bề thế. Những cây dương già và cây gòn tới mùa đổ bông trắng xóa đã được chặt xuống để làm tường bê tông quét vôi vàng như màu nắng. Tôi ngơ ngẩn như đứa học trò bị phạt, cố tìm trong dư âm cũ chút sắc hương đã ẩn chìm theo tháng năm đằng đẵng. Khu vườn xưa giờ đã có người thừa kế. Tôi bước đi trong thương nhớ, tưởng chừng như những chú ve từng bị nhốt trong chiếc lọ nhỏ hôm nào du dương hát.
Trong nhớ thương khuất lấp, tôi tự hỏi rằng bà lão mù xưa đi đâu về đâu giữa năm tháng rộng dài này và có còn nhớ những bước chân rón rén của tụi học trò xưa giờ ra chơi đi tìm quả rụng?