Nguyên mẫu châu Âu
Trước nhất là phong cách Pháp nguyên bản, thể hiện đậm nét trong thời kỳ đầu 1865 - 1900. Thuở ấy, phần lớn các dinh thự và công trình công cộng đều lấy cảm hứng từ nguyên mẫu "chính quốc" theo các phong cách Đế chế, Tân Cổ điển, Tân Phục hưng. Các công trình như Dinh Toàn quyền, Dinh Thống đốc, Dinh Xã Tây (Tòa thị chính), Nhà Thương chính (Hải quan) được xây dựng không chỉ nhằm biểu dương sức mạnh của nước Pháp với người dân bản địa mà còn thể hiện hình ảnh của đế quốc Pháp đang cạnh tranh mạnh mẽ ở châu Á.

Trường Petrus Trương Vĩnh Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) có tháp đồng hồ lấy cảm hứng từ Khuê Văn Các (Hà Nội), sắp xếp phòng học với các hành lang thanh nhã
ẢNH: BƯU ẢNH CỦA NGUYỄN ĐẠI HÙNG LỘC
Các công trình khác như Tòa án, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Lớn, Khách sạn Continental, Trường Taberd (nay là Trường Trần Đại Nghĩa), Trường Marie Curie, Trường Nữ sinh bản xứ (Trường Nguyễn Thị Minh Khai) đều mang đậm nét châu Âu quý phái cuối thế kỷ 19.
Đáng chú ý, xuất hiện từ rất sớm một vài công trình kiến trúc điểm xuyết đường nét bản địa. Tiêu biểu là tòa Nhà Rồng (1863), đã đưa cả ngôi đình VN lên tầng thượng. Nổi bật trên mái nhà là hình ảnh cổ điển "lưỡng long tranh nguyệt". Từ năm 1880 trở đi, một số kiến trúc lớn như Nhà Bưu điện trung tâm, Dinh Thống đốc Nam Kỳ (đều là tác phẩm của ông Marie Alfred Foulhoux, Kiến trúc sư trưởng Sài Gòn) bắt đầu có thêm các họa tiết VN và Khmer (bông sen, rắn thần Naga, cá sấu…).
Như vậy, vào thập niên cuối thế kỷ 19, phong cách kiến trúc Đông Dương đã manh nha ra đời, mặc dù tên gọi này chưa xuất hiện chính thức. Sang đến thập niên 1920 trở đi, người tiên phong thúc đẩy, hoàn chỉnh và đặt tên cho phong cách này là Ernest Hébrard. Ông là kiến trúc sư hàng đầu của Pháp, đồng thời là nhà khảo cổ học, có vốn hiểu biết sâu rộng về phương Đông.
Phong cách kiến trúc Đông Dương, hay nên gọi đúng hơn là Pháp - Đông Dương, đã kết hợp hài hòa văn hóa Pháp và văn hóa bản địa trong kiến trúc. Nhiều trí thức, nghệ sĩ và kiến trúc sư Pháp khi đến Đông Dương đã say mê khám phá văn hóa bản địa. Họ chú ý đến vật liệu xây dựng và phong cách kiến trúc của địa phương. Từ mức độ nhỏ đến mức độ lớn, các yếu tố tại chỗ đã gia tăng trong việc thiết kế và xây dựng các kiến trúc công cộng cũng như riêng tư. Điều này thể hiện tính sáng tạo của người nghệ sĩ trên vùng đất mới.
Phong cách kiến trúc Đông Dương tồn tại đến năm 1945 và vẫn còn âm hưởng sau này. Trong đó, các kiến trúc điển hình cho phong cách ấy ở Sài Gòn là Trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký (1927, tác phẩm của Hébrard, nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), Đại thương xá Charner (1925, nay không còn), Bảo tàng Blanchard de La Brosse (1929, nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) và Ngân hàng Đông Dương (1930, nay là Ngân hàng Nhà nước).
Có thêm các phong cách quốc tế hiện đại
Cũng từ 1920 - 1930 trở đi, các phong cách thiết kế mới thịnh hành ở phương Tây như Beaux Arts, Arts-Nouveaux và Art-Déco du nhập Đông Dương. Chúng tạo ra nhiều công trình mới lạ, bổ sung thêm vẻ đẹp thanh tú và cách tân cho Sài Gòn. Đồng thời, chúng thể hiện dấu ấn của kiến trúc International Modernism - Quốc tế hiện đại, một trào lưu còn tiếp diễn vào nhiều thập niên sau. Trong đó, nhiều công trình thể hiện kiểu dáng Art-Déco đem đến vẻ đẹp tinh giản nhưng mỹ lệ cho thành phố, nổi bật là Cao ốc Catinat (1927, tòa nhà 26 Lý Tự Trọng), Cao ốc số 213 Catinat (1927, nay không còn), sảnh giao dịch Ngân hàng Đông Dương (1928), trụ sở Công ty xăng dầu Pháp - Á (khoảng 1930, hiện là tòa nhà Petrolimex), Bệnh viện Hui Bon Hua (1937, nay là Bệnh viện Sài Gòn), Bệnh viện Saint Paul (1938, nay là Bệnh viện Mắt TP.HCM), Câu lạc bộ sĩ quan Hải quân Pháp (1938, nay là Văn phòng Chính phủ tại TP.HCM) và khu biệt thự Hui Bon Hoa (1930, nay là Nhà khách Chính phủ ở số 1 Lý Thái Tổ, Q.10).
Sài Gòn trước 1945 có nhiều nhà rường, nhà tư nhân, đền chùa xây dựng theo khuôn mẫu Việt cổ truyền. Tuy nhiên vẫn có số lượng lớn các nhà phố, biệt thự và đền chùa thể hiện phong cách Pháp - Việt. Đặc điểm phổ biến là nhà xây dựng theo lối chữ Đinh của VN nhưng mặt tiền cũng như nội thất và nhiều chi tiết khác có các cột, trần nhà, hoa văn trang trí theo kiểu Tân Cổ điển hay Tân Phục hưng.
Mặt khác, thêm vào sự "giàu có" và độc đáo của kiến trúc Sài Gòn còn phải kể đến các kiến trúc Pháp - Hoa. Nổi bật là chợ Bình Tây cùng các dãy nhà phố buôn bán và chung cư bình dân ở Chợ Lớn, ra đời vào cuối những năm 1920. Có những kiến trúc Pháp - Hoa rất lộng lẫy là dinh thự của gia đình Chú Hỏa - Hui Bon Hua và khách sạn Majestic nguyên gốc.
Một số đền thờ Hindu tại Q.1 đem đến nét văn hóa Ấn Độ hay lạ. (còn tiếp)