Cặp đôi phố thị sung mãn

PHỐ CHỢ BẾN THÀNH - ĐẦU MỐI GIAO THÔNG, GIAO THƯƠNG

Vào đầu thế kỷ 20, đây là công trình xây dựng dân dụng cực lớn với mặt bằng hơn 10.000 m², nằm giữa giao lộ bao la, rất gần đường Catinat (Đồng Khởi) và Charner (Nguyễn Huệ). Khu đất thông ra đường La Somme (Hàm Nghi), chạy thẳng đến Thương cảng Sài Gòn. Mặt khác, nó tiếp giáp đường Galliénie - con đường mới dẫn vào Chợ Lớn. Chính vì vị trí đắc địa như thế, chính quyền Pháp đã dời chợ Bến Thành gốc - nguyên là chợ nhà lồng bằng gỗ, nằm trên đại lộ Charner, về đây.

 - Ảnh 1.

Chợ Bến Thành thuở khai sinh năm 1914

Ảnh: Sưu tập bưu ảnh của Philippe Chaplain

Khi thiết kế ngôi chợ mới, có thể các tác giả lấy cảm hứng từ mô hình chợ trung tâm Paris Les Halles (1769), vốn có cổng chính và các gian nhà xây theo kiểu nhà xưởng đồ sộ (người Pháp không dùng từ chợ Bến Thành mà gọi là Les Halles Centrales de Saigon - Chợ trung tâm Sài Gòn). Tuy nhiên, chợ Bến Thành vẫn có kiểu dáng hay lạ riêng biệt. Toàn bộ nhà lồng chợ mang hình ảnh của một tòa thành hùng tráng, với bốn mặt có cổng vào uy nghi mà điểm nhấn là tòa tháp đồng hồ oai vệ ở mặt chính (cửa Nam). Các gian nhà của chợ được xếp thành bốn khối chạy dọc và hai khối chạy ngang. Mỗi dãy có hai tầng mái ngói cách nhau một quãng để lấy ánh sáng và lưu thông không khí cho bên dưới.

Nhìn từ ngoài và trên, ngôi chợ trông như nhà máy bề thế và chỉn chu. Bên trong chợ là các vòm thép vững chãi, hợp thành không gian cao rộng. Vào năm 1918, khi thăm Sài Gòn, nhà báo Phạm Quỳnh nói chiếc tháp đồng hồ khổng lồ của chợ Bến Thành đem đến cảm giác "vững vàng và lực lưỡng như một pháo đài". Nó có dáng hình và trang trí chân phương như tháp canh bốn mặt nhưng đường nét và họa tiết trang trí bên ngoài đều theo kiểu Renaissance, thể hiện sự mạnh mẽ và phong lưu. Đáng chú ý, nổi bật trên đỉnh tháp, bao lấy cột thu lôi là hình bầu rượu, tượng trưng cho sự sung túc trong quan niệm phương Đông.

Bọc quanh chợ là ba dãy nhà phố ba tầng, xếp thành hình chữ U, ra đời cùng thời gian. Con đường hai bên hông chợ, thuở mới khai sinh từng là bến xe thổ mộ và rồi xe đò. Gần bên chợ là nhà ga xe lửa trung tâm (nay là công viên 23 Tháng 9). Qua 111 năm tồn tại, dù có thay đổi một số nét kiến trúc bên ngoài và sắp đặt bên trong nhưng chợ Bến Thành cùng ba dãy phố Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tôn và Phan Bội Châu vẫn là khu phố chợ tấp nập nhất thành phố. Tại đây đã ghi dấu nhiều sự kiện kinh tế, văn hóa và chính trị rất ý nghĩa. Đến nay, chợ Bến Thành luôn là biểu tượng phổ biến của một Sài Gòn phồn thịnh.

PHỐ CHỢ BÌNH TÂY

Chợ được xây dựng trên khu đất lớn (17.000 m²), từng là xưởng đóng tàu, thuộc làng Bình Tây nên dân gọi là chợ Bình Tây (người Pháp gọi là Marché Central de Cholon, chợ trung tâm Chợ Lớn). Đây là kiến trúc Pháp - Hoa và cùng mang hình dáng một tòa thành vĩ đại như chợ Bến Thành. Trong đó, tháp đồng hồ làm theo kiểu vọng lâu hai tầng của những tòa thành Trung Hoa cổ. Mái ngói tầng trên có đặt hai tượng rồng, còn mái ngói tầng dưới có bốn tượng rồng tỏa về bốn phía. Toàn bộ mái các gian nhà lồng đều có hình tượng rồng và được lợp ngói kiểu Á Đông. Thêm nữa, bốn vách tường tháp đồng hồ không xây kín mà có lam thông gió mang hình chữ nho "song hỷ" cách điệu.

 - Ảnh 2.

Không ảnh khu vực Phố chợ Bình Tây, thập niên 1950

Ảnh: Sưu tập bưu ảnh của Nguyễn Đại Hùng Lộc

Chợ Bình Tây được thiết kế nhìn từ trên cao giống với chữ "khẩu" (miệng, tượng trưng cho sung túc) với một sân vuông ở giữa, bao quanh là các gian nhà lồng dọc theo bốn mặt đường. Ở trung tâm sân là tượng đài ông Quách Đàm (1862 - 1927) - doanh nhân hiến đất và kinh phí xây chợ. Dưới chân tượng đài là hồ nước, có bốn tượng rồng bằng đồng vây quanh. Việc đặt hồ nước ở khu trung tâm chợ là một biểu hiện của thiết kế theo thuật phong thủy, trong đó nước hàm nghĩa tiền bạc.

Mặt sau chợ giáp kinh Hàng Bàng, cũng là đường thủy lên xuống hàng hóa, thông với đồng bằng sông Cửu Long. Xung quanh chợ là ba dãy nhà phố ba tầng, vừa là nơi buôn bán, vừa là nơi ở. Tại đầu mỗi dãy nhà phố, nóc nhà nhô cao hình quả chuông hai tầng, có mái ngói bao quanh phần dưới, thể hiện nét hòa hợp

Âu - Á. Rất đáng tiếc, ba dãy nhà cổ đó đã bị phá bỏ để xây nhà phố vào những năm 1990. Chợ Bình Tây là chợ đầu mối bán sỉ và lẻ nhiều mặt hàng cho cả miền Nam, đánh dấu sự ra đời của khu Chợ Lớn Mới hiện đại, nối tiếp khu Chợ Lớn Cũ (quanh nhà Bưu điện Quận 5). Phố chợ Bến Thành và Phố chợ Bình Tây là hai khu phố cổ lâu đời, điểm đến du lịch hấp dẫn cho mọi người. (còn tiếp)


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao