Sáng 18.4, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm (2023 - 2025) tổ chức họp báo thông tin về chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).

Ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ VH-TT-DL phát biểu khai mạc họp báo
Ảnh: N.L
Lào và Campuchia dự kiến cử lực lượng tham gia diễu binh
Ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ VH-TT-DL khẳng định: "Đây là dịp để mỗi người Việt Nam bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng cách đây 50 năm, cảm xúc không chỉ của hàng triệu trái tim trong nước mà còn là sự sẻ chia, chung vui của bạn bè quốc tế...".
Tại họp báo, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, cuối tháng 4, trên địa bàn TP.HCM sẽ diễn ra nhiều hoạt động trọng điểm. Trong đó, tâm điểm là Lễ kỷ niệm cấp quốc gia được tổ chức vào lúc 6 giờ 30 ngày 30.4 trên đường Lê Duẩn và một số tuyến đường trung tâm TP. Chương trình diễu binh, diễu hành do Bộ Quốc phòng chủ trì, bao gồm: 4 khối nghi trượng, 36 khối diễu binh, 12 khối diễu hành và dự kiến có quân đội Lào, Campuchia tham gia.

Chiến sĩ trẻ tập dượt cho lễ diễu binh
Ảnh: Ngọc Dương
Đặc biệt, lần đầu tiên có sự tham gia diễu hành của khối kiều bào với 120 người từ 25 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngoài ra, còn có một số cựu phóng viên chiến trường, phóng viên kiều bào tham dự. 20 màn hình LED sẽ được bố trí tại nhiều tuyến phố lớn để người dân, du khách theo dõi. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, sự kiện nhận được sự quan tâm lớn từ quốc tế với hơn 20 đoàn các nước xác nhận tham dự. Trong đó có 3 đoàn cấp cao, 5 đoàn cấp bộ trưởng, khoảng 15 chính đảng ở các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ; hơn 100 đại biểu từ tổ chức phong trào hòa bình, phong trào phản đối chiến tranh. TP.HCM cũng mời hơn 20 địa phương ở nhiều quốc gia kết nghĩa và cá nhân nước ngoài tiêu biểu. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đã mời cựu phóng viên chiến tranh, người nước ngoài có đóng góp cho Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm.

Đông đảo lực lượng tham gia lễ diễu binh, diễu hành
Ảnh: Ngọc Dương
Phần hội nổi bật với Sắc màu thành phố mang tên Bác (ngày 19 - 30.4), trong đó điểm nhấn là màn trình diễn nghệ thuật 3D Mapping tại mặt tiền trụ sở UBND TP.HCM, màn trình diễn 2.000 thiết bị bay không người lái (drone) kết hợp pháo hoa nghệ thuật... Cùng với đó là hàng loạt chương trình nghệ thuật đặc sắc như: Đất nước trọn niềm vui (ngày 20.4 tại sân khấu ngoài trời trước Hội trường Thống Nhất), Bản giao hưởng Hòa bình (ngày 21.4 tại Nhà hát TP.HCM), Ngày hội thống nhất non sông (truyền hình trực tiếp trên toàn quốc tối 30.4 tại Hội trường Thống Nhất)...
Đặc biệt là chương trình nghệ thuật do Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với TP.HCM tổ chức vào ngày 29.4 tại sân khấu trước Hội trường Thống Nhất. NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết chương trình gồm 3 chương: Nỗi đau chia cắt, con đường thống nhất, Mùa xuân hòa bình và Mùa xuân của kỷ nguyên mới; quy tụ khoảng 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên, các ca sĩ, nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam...