Xã Phú Giáo có diện tích hơn 192 km2, là xã rộng thứ 2 ở TP.HCM, sau xã An Thới Đông thuộc địa bàn huyện Cần Giờ, TP.HCM trước đây (258 km2).
Theo lịch sử Đảng bộ huyện Phú Giáo (cũ), địa danh Phú Giáo có từ năm 1959, lúc đó là một quận của tỉnh Phước Thành do chính quyền Sài Gòn chia tách một phần đất của huyện Tân Uyên (tỉnh Biên Hòa).
Trung tâm của quận Phú Giáo (tỉnh Phước Thành cũ) được đặt ở trung tâm xã Phú Giáo hiện nay và có Dinh Tỉnh trưởng Phước Thành - hiện là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh được UBND tỉnh Bình Dương (cũ) xếp hạng.

Dinh Tỉnh trưởng Phước Thành tại trung tâm xã Phú Giáo hiện nay
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Sau khi xã Phú Giáo (TP.HCM) được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1.7, dân số của xã hiện nay có 42.739 người.
Ông Trần Trung Tín, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Phú Giáo cho biết, Đảng bộ xã hiện có 44 tổ chức Đảng trực thuộc với 1.391 đảng viên.

Trung tâm xã Phú Giáo
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Theo quy hoạch của huyện Phú Giáo trước đây được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt (nay vẫn còn hiệu lực), đến năm 2040 xã Phú Giáo hiện nay sẽ được kế thừa, xây dựng hàng loạt các khu, cụm công nghiệp như: khu công nghiệp Vĩnh Lập diện tích khoảng 750 ha; khu công nghiệp Phú Giáo 4, diện tích khoảng 1.000 ha; khu công nghiệp Phú Giáo 1 khoảng 550 ha; khu công nghiệp Phú Giáo 3 khoảng 500 ha…

Cụm công nghiệp Tam Lập 1, xã Phú Giáo đã hình thành
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Về cụm công nghiệp theo quy hoạch tại xã An Bình cũ sẽ có 7 cụm công nghiệp và xã Tam Lập (ấp Đồng Tâm, Gia Biện sáp nhập thành xã Phú Giáo) sẽ có 8 cụm công nghiệp.
Trong đó, các khu, cụm công nghiệp được ưu tiên đầu tư và bố trí nguồn lực để thực hiện gồm: khu công nghiệp Vĩnh Lập, khu công nghiệp Phú Giáo 4; các cụm công nghiệp: Tam Lập 2, Tam Lập 5; An Bình 1, An Bình 4, An Bình 7.
Điểm mới trong phục vụ hành chính công
Trung tâm phục vụ hành chính công xã Phú Giáo hiện nay được thành lập, lấy trụ sở của trung tâm thuộc huyện Phú Giáo cũ và bố trí thêm các quầy, phòng để tiếp nhận các loại thủ tục hành chính cho người dân.
Ông Lê Khánh Duệ, Phó giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công xã Phú Giáo cho biết, điểm mới của trung tâm hiện nay là được bố trí thêm 2 quầy của lĩnh vực công an và bảo hiểm xã hội để giải quyết các thủ tục liên quan cho người dân.

Người dân lấy số thứ tự giải quyết thủ tục hành chính tại xã Phú Giáo
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Ông Duệ cho rằng, nếu trước đây người dân cần giải quyết các thủ tục liên quan đến công an, bảo hiểm xã hội thì phải đi đến trụ sở của các cơ quan này, nhưng hiện nay thì chỉ cần đến trung tâm phục vụ hành chính công là được.
Ngoài ra, ông Duệ cho biết hiện nay trung tâm còn tiếp nhận 4 viên chức từ trung tâm của tỉnh Bình Dương và chi nhánh huyện Phú Giáo cũ; tiếp nhận từ bộ phận 1 cửa các xã cũ 5 người; bố trí 2 tình nguyện viên của Đoàn thanh niên xã, 2 nhân viên hướng dẫn có kinh nghiệm, có trình độ, hiểu biết về công nghệ thông tin… để hướng dẫn cho người dân.

Trung tâm phục vụ hành chính công xã Phú Giáo
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Trụ sở và lãnh đạo xã Phú Giáo
Ông Nguyễn Phi Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phú Giáo
- Trụ sở: Đường Hùng Vương (Trung tâm hành chính huyện Phú Giáo cũ), xã Phú Giáo (TP.HCM).
Ông Vũ Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Phú Giáo
- Trụ sở: Đường Hùng Vương (Trung tâm hành chính huyện Phú Giáo cũ, đối diện trụ sở Đảng ủy), xã Phú Giáo (TP.HCM).
Ông Ngô Trung Thành, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công.
- Địa chỉ: 16A Trần Quang Diệu (Trung tâm hành chính huyện Phú Giáo cũ), xã Phú Giáo (TP.HCM).