Viện kiểm sát nói gì về việc bị cáo Trương Mỹ Lan xin tham gia xử lý tài sản?

Ngày 8.4, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục diễn ra phần tranh luận trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án Trương Mỹ Lan (69 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các đồng phạm (giai đoạn 2).

Theo đó, các bị cáo bị xét xử về các tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản (hơn 30.000 tỉ đồng của hơn 35.000 trái chủ), vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (hơn 106.000 tỉ đồng) và rửa tiền (hơn 445.000 tỉ đồng).

Đối đáp lại tranh luận của các luật sư, đại diện Viện kiểm sát cho biết, tại cấp phúc thẩm không có tình tiết nào mới. Tuy nhiên, các bị cáo thể hiện ăn năn hối cải, bị cáo Trương Mỹ Lan nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác.

Viện kiểm sát: Vụ án Trương Mỹ Lan tạo ‘dư luận rất khủng khiếp’

Đối với phần tranh luận của bị cáo Lan, đề nghị xem xét bị cáo không tham gia phát hành trái phiếu. Về vấn đề này, Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Bùi Văn Dũng (lái xe của bị cáo Lan) đã nhiều lần nhận tiền từ ngân hàng chở về nhà theo chỉ đạo của bị cáo Lan. Một tài xế không thể làm được gì nếu không có mệnh lệnh của bị cáo Lan.

"Chính những hành vi gian dối của bị cáo dẫn đến các trái chủ tin và mua trái phiếu", đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm.

Đối với yêu cầu để bị cáo Trương Mỹ Lan được thực hiện các quyền của cổ đông hơn 91% cổ phần, đề nghị tham gia phương án phục hồi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), theo Viện kiểm sát đây là vấn đề không thuộc phạm vi xét xử nên không tranh luận lại.

Luật sư đề nghị cho bị cáo Trương Mỹ Lan tham gia vào giai đoạn kê biên xử lý tài sản, Viện kiểm sát cho rằng vấn đề này thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án nên đề nghị luật sư và bị cáo liên hệ với cơ quan có thẩm quyền.

Viện kiểm sát phản hồi đề nghị xử lý tài sản của Trương Mỹ Lan - Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan xin cơ chế làm việc để bị cáo khắc phục 100% hậu quả

ẢNH: NHẬT THỊNH

Việc luật sư của bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng việc sử dụng kết luận giám định của công ty Hoàng Quân không đảm bảo, gây bất lợi cho bị cáo, Viện kiểm sát cho rằng vấn đề này thuộc giai đoạn 1, nên không tranh luận lại.

"Hành vi sử dụng tiền từ nguồn tiền phạm tội để tiến hành kinh doanh, hoặc hoạt động khác, nên bản án sơ thẩm quy kết bị cáo phạm tội rửa tiền là có căn cứ", đại diện Viện kiểm sát nhận định.

Về việc thu hồi vật chứng để trả cho các trái chủ, căn cứ vào hồ sơ, đối với số tiền hơn 15.000 tỉ đồng, cấp sơ thẩm đã kiến nghị Bộ Công an bóc tách xử lý theo quy định. Việc chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam thông qua các hợp đồng khống, không đúng quy định, nên đây là hành vi vận chuyển tiền trái phép qua biên giới. Từ đó Viện kiểm sát cho rằng: "Các bị cáo vận chuyển tiền này là phương thức phạm tội mới"…

Hôm 3.4, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị tòa phúc thẩm giảm án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (hơn 30.000 tỉ đồng) cho bị cáo Trương Mỹ Lan.

Lý do, tính đến ngày 21.3, bị cáo Lan đã thi hành án ở giai đoạn 1 được khoảng 7.000 tỉ đồng, giai đoạn 2 được khoảng 1.000 tỉ đồng.

"Số tiền bị cáo Lan thi hành đến giai đoạn này tương đương 1/4 trách nhiệm. Đây là tình tiết mới ở cấp phúc thẩm, nên đề nghị tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Lan ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Viện kiểm sát nêu.

Phần tự bào chữa, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cảm ơn Viện kiểm sát đã đề nghị giảm án cho bị cáo. Tuy nhiên, bị cáo Trương Mỹ Lan vẫn đề nghị tòa xem xét lại về trái phiếu hơn 30.000 tỉ đồng. Bởi theo bị cáo phải là 28.000 tỉ đồng mới đúng.

Ngoài ra, tại phiên tòa, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho rằng, theo quy định pháp luật, người cao tuổi trên 60 tuổi là được miễn đóng án phí. Vì thế bị cáo Lan xin tòa cho bị cáo được miễn đóng án phí 30 tỉ đồng, mà tòa sơ thẩm đã tuyên. "Trong trường hợp không được, bị cáo vẫn chấp hành", bị cáo Lan nói.

Về vấn đề này, Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo không thuộc hoàn cảnh khó khăn nên không được xem xét.

Trước đó, năm 2024, bị cáo Lan bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm, phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù về tội rửa tiền, 8 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Đồng thời, tòa buộc bị cáo Lan bồi thường hơn 30.000 tỉ đồng, tương ứng với mỗi trái phiếu doanh nghiệp có mệnh giá 100.000 đồng, cho hơn 35.000 người dân.

Bị cáo Trương Mỹ Lan không đồng tình với bản án sơ thẩm nên đã kháng cáo toàn bộ bản án. Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm trên vì cho rằng bị quy buộc cả 3 tội danh trên là không đúng.

Tại phiên tòa hôm nay (8.4), bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày: "Bị cáo nhận thức mình sai, ảnh hưởng đến nhân viên. Bị cáo rất là đau lòng. Cho bị cáo cơ chế làm việc để bị cáo khắc phục 100%...".

Chủ tọa phiên tòa giải thích về việc này: "Tòa cũng hỗ trợ hết sức, đã có văn bản gửi trại giam".

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên phạt án tử hình ở giai đoạn 1

Trong giai đoạn 1 của vụ án, cuối năm 2024, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm tuyên phạt y án sơ thẩm tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về 3 tội danh: tham ô tài sản (tử hình), đưa hối lộ (20 năm tù), vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (16 năm tù; sơ thẩm 20 năm tù).

Tòa còn buộc bị cáo Lan phải bồi hoàn cho SCB hơn 673.000 tỉ đồng.






Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao