Thực hiện chủ trương sáp nhập xã, phường để bỏ cấp huyện tiến tới xây dựng chính quyền 3 cấp của T.Ư, Sở Nội vụ TP.Huế vừa đưa ra phương án sáp nhập xã, phường trên địa bàn, dự kiến giảm khoảng 50% số xã, phường.

Hai bờ sông Hương thuộc 2 quận Phú Xuân (bờ bắc) và Thuận Hóa (bờ nam)
ẢNH: N.T.A.PHONG
Cụ thể, TP.Huế sau khi trở thành thành phố trực thuộc T.Ư hiện có 133 xã, phường, thuộc 4 huyện, 3 thị xã và 2 quận. Phương án đề xuất dự kiến sẽ có 2 trường hợp sáp nhập 4 đơn vị hành chính (ĐVHC), 7 trường hợp sáp nhập 3 ĐVHC, 44 trường hợp sáp nhập 2 ĐVHC và 12 trường hợp giữ nguyên ĐVHC cấp xã, phường. Tổng ĐVHC sau khi sáp nhập còn 66 ĐVHC cấp xã, phường, giảm 50%.
Trong đó, có một số trường hợp đáng quan tâm gồm: 4 phường nội thành (Thuận Lộc, Thuận Hòa, Tây Lộc, Đông Ba) sáp nhập còn 1 phường, dự kiến có tên P.Phú Xuân.
Về tên gọi của phường này, có ý kiến khác đề xuất tên P.Thành Nội, vì lâu nay 4 phường này do nằm trong kinh thành Huế nên vẫn được gọi chung là "thành nội". Trong khi tên gọi Phú Xuân vừa được đặt tên cho Q.Phú Xuân mới bao gồm 19 xã, phường phía bắc sông Hương rất rộng lớn.

4 phường nội thành Huế dự kiến sẽ sáp nhập còn lại 1 phường
ẢNH: N.T.A. PHONG
Thêm nữa, tên gọi Phú Xuân vốn là tên của làng cũ đã được triều Nguyễn di dời để xây dựng kinh đô. Do vậy, nếu lấy lại tên cũ (Phú Xuân) khi người dân gốc của làng Phú Xuân đã tứ tán thì dễ gây nhiều tâm tư cho người ly hương.
Thêm trường hợp 4 ĐVHC sáp nhập thành 1 ĐVHC là các xã Hương Phú, Hương Lộc, Thượng Lộ và TT.Khe Tre (sáp nhập còn thành 1 xã Khe Tre).
TP.Huế sẽ lấy ý kiến rộng rãi nhân dân về phương án sáp nhập
Còn lại, các phương án khác (sáp nhập từ 2 - 3 ĐVHC và giữ nguyên ĐVHC) tương đối hợp lý, chỉ một số ít còn băn khoăn về tên gọi các ĐVHC sao cho phù hợp.
Trao đổi với PV Thanh Niên về phương án sáp nhập và tên gọi các ĐVHC sau sáp nhập, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND TP.Huế, cho rằng phương án đề xuất mới chỉ là bước 1 trong quá trình hoàn thiện đề án. Thời gian tới, các phương án này sẽ được đưa ra để lấy ý kiến người dân và cộng đồng, tiếp thu góp ý của các nhân sĩ trí thức các giới...
"Các phương án được chọn phải nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân và toàn xã hội mới đi đến quyết định chính thức để trình cấp thẩm quyền phê duyệt", ông Nguyễn Văn Phương nói.