Chia sẻ với lãnh đạo các ngân hàng thương mại tại hội nghị, Thủ tướng cho biết, 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021 - 2025. Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo đà để nước ta tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.
Trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến nhanh, các nền kinh tế lớn có những chính sách tác động đến Việt Nam, Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị với các ngân hàng nhằm phân tích, đánh giá tình hình, đồng thời lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, ngân hàng.
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các ngân hàng phân tích kỹ những khó khăn, thách thức và cả những thuận lợi, thời cơ. Đề xuất, hiến kế các giải pháp với sự tham gia của hệ thống ngân hàng để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Đặc biệt, góp ý với Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là về thể chế, Chính phủ và các bộ, ngành phải làm gì trên tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm" để ngành ngân hàng phát triển tốt hơn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2024, NHNN tiếp tục chủ động điều hành lãi suất ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhờ đó lãi suất cho vay giảm 1,24% so với cuối năm 2023. Thị trường ngoại tệ, tỷ giá ổn định. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá.
Tín dụng tăng 15,08% so với cuối năm 2023 và đạt mục tiêu đề ra, bổ sung thêm cho nền kinh tế 2,2 triệu tỉ đồng (doanh số cho vay 23 triệu tỉ đồng).
NHNN đã hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát thấp hơn mục tiêu 3% đề ra. Các ngân hàng thương mại nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng lực tài chính và kinh doanh có lãi.
Về giải pháp năm 2025, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Triển khai lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, nỗ lực đạt tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dự kiến 16%.