Tại dự thảo luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi), Bộ Tư pháp đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa làm cơ sở để áp dụng hình thức xử phạt không cần lập biên bản.
Theo đó, với cá nhân vi phạm, mức phạt tiền tối đa tăng từ 250.000 đồng lên 2,5 triệu đồng; với tổ chức vi phạm, mức phạt tiền tối đa tăng từ 500.000 đồng lên 5 triệu đồng.
Trước đề xuất trên, có ý kiến băn khoăn rằng, việc tăng mức phạt tiền tối đa đồng nghĩa mở rộng phạm vi, tăng thẩm quyền đối với người thi hành công vụ trong việc áp dụng thủ tục xử phạt không cần lập biên bản. Điều này liệu có dễ phát sinh tiêu cực?
Đề xuất tăng 10 lần mức tiền phạt không cần lập biên bản

Bộ Tư pháp đề xuất tăng mức tiền tối đa được áp dụng thủ tục xử phạt không lập biên bản (ảnh minh họa)
ẢNH: C08
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho rằng cần có sự nhìn nhận chính xác về bản chất của thủ tục xử phạt không cần lập biên bản.
Ông Hùng viện dẫn luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định thủ tục xử phạt vi phạm hành chính gồm xử phạt không lập biên bản và xử phạt có lập biên bản.
Trong đó, xử phạt không lập biên bản thường được áp dụng với các vụ việc vi phạm đơn giản, rõ ràng, không có tình tiết phức tạp.
Luật quy định rõ, nếu xử phạt không lập biên bản, người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Quyết định này phải được giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt một bản. Trường hợp người chưa thành niên bị xử phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.
Vẫn theo quy định, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt và phải nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.
Trường hợp không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn quy định.
"Như vậy, xử phạt không lập biên bản không có nghĩa người vi phạm đưa tiền rồi người có thẩm quyền xử phạt giữ luôn, mà phải nộp lại vào kho bạc, đồng thời phải có chứng từ về việc nộp - thu tiền của người vi phạm", luật sư Hùng phân tích.
Tiền phạt tăng cao, duy trì "mức trần" 250.000 đồng là quá thấp
Luật sư Hùng cũng cho rằng, nguy cơ phát sinh tiêu cực nằm ở yếu tố con người, không phải do thủ tục xử phạt không cần lập biên bản hay việc tăng mức tiền phạt tối đa được áp dụng thủ tục này.
"Người vi phạm chấp hành nghiêm việc nộp phạt, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện đúng những gì pháp luật đã quy định thì chắc chắn không có tiêu cực. Ngược lại, nếu một trong hai phía có hành vi "không trong sáng", tiêu cực có thể phát sinh bất cứ ở khâu nào đó", ông Hùng nhấn mạnh.
Từ phân tích đã nêu, vị luật sư ủng hộ đề xuất của Bộ Tư pháp về việc tăng mức tiền phạt tối đa được áp dụng thủ tục xử phạt không cần lập biên bản. Điều này rất hợp lý trong bối cảnh mức phạt tiền trong nhiều lĩnh vực đã tăng lên rất nhiều. "Nếu cứ duy trì "mức trần" 250.000 đồng sẽ là rất thấp, không còn phù hợp", vị luật sư nói.
Ngoài ra, tăng mức phạt tiền tối đa được áp dụng thủ tục xử phạt không cần lập biên bản còn giúp giảm áp lực cho người có thẩm quyền trong việc phải lập biên bản vi phạm hành chính; không chỉ tiết kiệm thời gian, nguồn lực cho cơ quan quản lý nhà nước mà còn thuận lợi cho chính người vi phạm.