Nở rộ giả shipper lừa đảo
Chị Hoài Linh (28 tuổi, trú H.Đan Phượng, Hà Nội) cho hay, gần đây chị liên tục nhận những cuộc gọi của các đối tượng giả danh shipper nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chị Linh là "tín đồ mua sắm online" nên thường xuyên mua hàng từ các sàn thương mại điện tử cũng như các phiên livestream bán hàng qua mạng xã hội.
Ngày 6.4, khi chị đang ở quê ngoại thì nhận được cuộc gọi từ số lạ, gọi báo có đơn hàng 239.000 đồng và nói đã gửi cho mẹ chồng chị, yêu cầu thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.
Biết mẹ chồng đang vắng nhà và không đặt đơn nào có giá trị kể trên nên chị Linh đã không chuyển khoản cho đối tượng.
Hai ngày sau, chị Linh tiếp tục nhận cuộc gọi từ số lạ với nội dung: "Em Đức ship đây, tuần trước chị có đơn 170.000 đồng, chị chưa thanh toán cho em". Nghe tên shipper quen thuộc, chị Linh không cảnh giác mà chuyển khoản số tiền này cho đối tượng, nhưng hôm sau chị mới nhớ lại mình đã thanh toán và số lạ này không phải của "shipper ruột".
Chị Linh cho hay đã bị lừa và thông tin cá nhân cũng như đơn hàng đã bị lộ không rõ lý do.
4 phương thức, thủ đoạn của tội phạm
Trước tình trạng các đối tượng giả danh shipper để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Bộ Công an đã chỉ ra 4 phương thức, thủ đoạn của nhóm tội phạm này.
Thứ nhất, các đối tượng thu thập, mua bán dữ liệu những người thường xuyên mua hàng online, sau đó giả danh shipper gọi điện thông báo giao hàng vào những khung giờ bị hại thường không có nhà, gửi thông tin chuyển khoản đề nghị thanh toán. Sau đó, thông báo chưa nhận được tiền, lừa bị hại tiếp tục chuyển tiền hoặc gửi tin nhắn thông báo bị hại đã đăng ký 1 gói dịch vụ nào đấy, với mức phí từ 2 - 10 triệu đồng/tháng và hướng dẫn nạn nhân tiếp tục chuyển tiền để hủy gói dịch vụ... để chiếm đoạt.
Thứ 2, các đối tượng giả danh shipper đến giao hàng bên trong hầu hết là hàng giả, hàng rẻ tiền hoặc không có giá trị, đề nghị thanh toán trước hoặc thanh toán khi giao hàng nhưng không cho kiểm tra hàng hóa.
Thứ 3, các đối tượng lừa đảo tiếp cận với các kênh livestream bán hàng, tiếp cận với những khách hàng đặt mua hàng online, đề nghị xác thực đơn hàng tại các trang web giả mạo hoặc yêu cầu tải app theo dõi giao hàng để chiếm quyền kiểm soát điện thoại, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Các đối tượng còn tiếp cận người đặt hàng để yêu cầu đặt cọc và chiếm đoạt tiền cọc.
Thứ 4, các đối tượng gọi điện giả danh shipper giao hàng để thu thập thông tin cá nhân của người dân, sử dụng cho các phương thức, thủ đoạn lừa đảo khác.
5 lưu ý để tránh thành nạn nhân
Bộ Công an khuyến cáo người dân phải kiểm tra kỹ đơn hàng, xác nhận với người gửi trước khi thanh toán. Nếu không đặt hàng thì từ chối nhận và không thanh toán.
Yêu cầu được kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Nếu shipper từ chối cần liên hệ ngay với người bán hoặc tổng đài của đơn vị vận chuyển.
Chỉ thanh toán hàng do mình đặt, kiểm tra hàng đảm bảo chất lượng, nên thanh toán trực tiếp với bên bán hoặc thông qua các sàn thương mại số. Kiểm tra kỹ thông tin tài khoản trước khi chuyển tiền. Không quét mã QR từ nguồn không rõ ràng.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng cho người lạ hay các đối tượng mạo danh shipper (các shipper thật luôn có thông tin của khách hàng trên đơn hàng).
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần kịp thời tố cáo đến cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận, đồng thời chủ động lưu giữ các nội dung trao đổi giữa mình và đối tượng lừa đảo để phục vụ công tác điều tra (chụp ảnh lại các nội dung tin nhắn, ghi âm cuộc gọi, sao kê chuyển tiền...).