Thứ trưởng Bộ NN-MT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, rạng sáng 19.7, bão Wipha sẽ vào Biển Đông thành cơn bão số 3 của Việt Nam và ngày 21.7 sẽ tác động vào đất liền.

Thứ trưởng Bộ NN-MT Nguyễn Hoàng Hiệp kết luận buổi họp
ẢNH: C.T
Dù đường đi của bão được các nước dự báo còn khác nhau, có sự chênh lệch biên độ hàng trăm cây số nhưng ông Hiệp khẳng định, cơn bão này chắc chắn sẽ tác động đến Việt Nam, gây mưa gió, ngập lụt, sạt lở.
Theo ông Hiệp, dự báo cho thấy khi bão Wipha vào Biển Đông thì sẽ tăng cấp độ. Sức gió dù không lớn nhưng sẽ gây ra mưa diện rộng. Đặc biệt, theo dự báo hiện nay sẽ có 2 đợt mưa lớn.
Cụ thể, từ ngày 21 - 23.7, từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra miền Bắc sẽ có mưa lớn. Sau đó đợt mưa thứ 2 có thể xuất hiện do cơn bão khác hình thành sau bão Wipha, gây mưa từ ngày 24 - 26.7.
"Đây là cơn bão đầu tiên đổ bộ mặc dù gió không lớn, nhưng mưa thì diện khá rộng, tác động 18 tỉnh và 1.713 xã", ông Hiệp cho hay.
Đáng chú ý, ông Hiệp thông tin, hiện các hồ chứa từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra đang ở mức cao, từ 55 - 85% dung tích chứa.

Bão Wipha được nhận định chắc chắn sẽ ảnh hưởng vào Việt Nam
ẢNH: NCHMF
Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn tăng cường nhân lực, vật lực phối hợp với các cơ quan quốc tế để theo dõi chặt chẽ nhằm "dự báo tốt nhất có thể về cơn bão này".
Đối với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, ông Hiệp yêu cầu cơ quan này phối hợp với các đơn vị khác của Bộ NN-MT phân công cán bộ xuống địa phương phối hợp. Đồng thời coi đây như là đợt kiểm nghiệm lại sự lãnh đạo, chỉ đạo khi vận hành chính quyền 2 cấp nhằm rút kinh nghiệm ứng phó bão…
Cũng theo ông Hiệp, sau khi có nhận định cụ thể hơn về bão Wipha, Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia sẽ họp với các địa phương. Khi đó, các giải pháp chỉ đạo ứng phó bão sẽ rõ ràng hơn.
Trước đó, tại buổi họp, sau khi nghe báo cáo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ông Hiệp đánh giá, bão Wipha có "bóng dáng" của cơn bão Yagi (diễn ra hồi tháng 9.2024).
Bão Wipha có thể mạnh cấp 12, ảnh hưởng trực tiếp miền Bắc ngày 22.7
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 18.7, vị trí tâm bão Wipha ở vào khoảng 18,3 độ vĩ bắc, 123,5 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông bắc đảo Luzon (Philippines).
Dự báo khoảng chiều 19.7, bão Wipha di chuyển theo hướng tây tây bắc, đi vào Biển Đông và mạnh lên cấp 10, giật cấp 12.
Đến 13 giờ ngày 20.7, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh lên cấp 11 - 12, giật cấp 14. Thời điểm này, bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 490 km về phía đông.