Bác sĩ phát triển AI cảnh báo viêm ruột thừa có biến chứng

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng được các y bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP.HCM) phát triển thành công. AI này hứa hẹn triển khai ở hầu hết các BV quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, cũng như các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa, nơi không có đầy đủ trang thiết bị để hệ thống có thể hỗ trợ BS hiệu quả trong chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa mà không cần đến các thiết bị y tế phức tạp khác.

Ứng dụng AI hỗ trợ chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng của BV Nhân dân Gia Định đã tham dự Giải thưởng thành tựu y khoa VN lần thứ 5, chuyên đề Y tế thông minh.

ÁM ẢNH BIẾN CHỨNG CỦA VIÊM RUỘT

TS-BS Mai Phan Tường Anh, Phó giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho biết viêm ruột thừa là tình trạng nhiễm trùng của ruột thừa, nguyên nhân thường do tắc nghẽn của ruột thừa với tỷ suất mới mắc là 11/10.000 người. Đây là tình trạng cấp cứu ngoại khoa thường gặp, chẩn đoán thường không quá khó, nhưng cũng có những trường hợp phát hiện trễ, điều trị chậm.

Theo BS, hiện nay viêm ruột thừa được chia thành 2 thể: chưa biến chứng (chưa hoại tử hay vỡ) và có biến chứng (đã hoại tử, vỡ). Với tình trạng chưa biến chứng, bệnh nhân (BN) có thể được trì hoãn mổ, thậm chí theo những nghiên cứu mới nhất cho thấy có thể điều trị bảo tồn (không mổ) bằng thuốc cho những trường hợp rủi ro khi mổ quá cao. Ở thể bệnh có biến chứng gây viêm phúc mạc (nhiễm trùng trong màng bụng) hoặc áp xe ruột thừa thì cần phẫu thuật.

Bác sĩ phát triển AI cảnh báo biến chứng viêm ruột thừa nâng cao độ chính xác - Ảnh 1.

Bác sĩ dùng AI để hỗ trợ chẩn đoán viêm ruột thừa

ẢNH: BÍCH HẠNH

Các cơ sở y tế có trang thiết bị hiện đại như các máy chụp cắt lớp điện toán (CT-scanner) hay cộng hưởng từ (MRI), việc đánh giá thể viêm ruột thừa có biến chứng hay chưa biến chứng sẽ dễ dàng và chính xác. Tuy nhiên, ở những đơn vị hạn chế về nguồn lực như BV vùng sâu, vùng xa hay vùng hải đảo thì việc chẩn đoán viêm ruột thừa chủ yếu thông qua kinh nghiệm thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cơ bản. Vì vậy, phát triển ứng dụng AI để có thể hỗ trợ BS phân biệt 2 thể viêm ruột thừa, làm cơ sở quyết định điều trị tại chỗ hay chuyển lên tuyến trên...

Để nghiên cứu sản phẩm ứng dụng AI hỗ trợ chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng, nhóm tác giả đã thu thập dữ liệu từ khoảng 10.000 BN từng điều trị viêm ruột thừa tại BV Nhân dân Gia Định trong giai đoạn 2016 - 2021, bao gồm dữ liệu siêu âm và xét nghiệm máu để huấn luyện mô hình học máy (machine learning). Với kết quả siêu âm, nhóm xây dựng các dữ liệu về vị trí, khả năng thâm nhiễm xung quanh, hình ảnh dịch ổ bụng, đường kính... của ruột thừa. Với xét nghiệm máu, nhóm xây dựng dữ liệu các tổng số lượng bạch cầu, bạch cầu đa nhân trung tính và bạch cầu lympho. Dựa trên những chỉ số của máy sẽ cho được kết quả xác suất BN này nguy cơ bị viêm ruột thừa có biến chứng bao nhiêu phần trăm, từ đó BS có hướng điều trị phù hợp. Đó là mong ước của nhóm nghiên cứu khi thực hiện sản phẩm này.

Bác sĩ phát triển AI cảnh báo biến chứng viêm ruột thừa nâng cao độ chính xác - Ảnh 2.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định đang phẫu thuật một ca viêm ruột thừa

ẢNH: BÍCH HẠNH

"Thuật toán trong nghiên cứu đã chứng minh tỷ lệ dự đoán đúng trên 85%. Nghĩa là cứ 10 người được nhập dữ liệu vào thì 8 - 9 người được đoán đúng tỷ lệ viêm ruột thừa có biến chứng. Cứ mỗi 3 tháng, nhóm nghiên cứu sẽ lấy dữ liệu mổ viêm ruột thừa của BV Nhân dân Gia Định nhập vào máy để chạy huấn luyện thuật toán tiếp. Tôi tin rằng độ chính xác cũng như độ thông minh của nó sẽ càng ngày càng cao và sẽ dự đoán chính xác hơn", TS-BS Mai Phan Tường Anh nói.

MONG MUỐN TÍCH HỢP VÀO BỆNH ÁN ĐIỆN TỬ VÀ CHIA SẺ

"Chúng tôi mong muốn AI này sẽ được tích hợp vào trong bệnh án điện tử, rất đơn giản. Như vậy, khi BN viêm ruột thừa đến khám, làm xét nghiệm, thông số sẽ tự động ra được viêm ruột thừa có biến chứng là bao nhiêu phần trăm. Nếu các BV khác triển khai mà muốn tích hợp thì có thể liên hệ, BV Nhân dân Gia Định sẵn sàng chia sẻ code", TS-BS Tường Anh nói và khẳng định: Ứng dụng AI cảnh báo viêm ruột thừa có biến chứng giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí, đặc biệt hiệu quả tại các khu vực hạn chế về nguồn lực. Mô hình đơn giản, dễ sử dụng, không yêu cầu trang thiết bị đắt tiền, có thể triển khai tại các cơ sở y tế nhỏ lẻ.

Bác sĩ phát triển AI cảnh báo biến chứng viêm ruột thừa nâng cao độ chính xác - Ảnh 3.

AI hỗ trợ chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng trên nữ bệnh nhân trẻ

ẢNH: BÍCH HẠNH

Hiện sản phẩm được cụ thể hóa thành website viemruotthua.com để BS có thể thao tác và nhập các chỉ số nhằm đưa ra tiên đoán về tình trạng viêm ruột thừa biến chứng trên BN. Thuật toán AI tích hợp trên trang web này là sản phẩm của đề tài nghiên cứu cấp Sở KH-CN TP.HCM. Công trình do nhóm tác giả BV Nhân dân Gia Định và Trường ĐH Y Dược TP.HCM tiến hành trong 18 tháng. Công trình nghiên cứu này đã được nghiệm thu năm 2023 và kết quả của công trình đã công bố trên tạp chí quốc tế. (còn tiếp)

Phần mềm dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch

BV Nhân dân Gia Định còn có sản phẩm thứ hai tham dự Giải thưởng thành tựu y khoa VN lần thứ 5, đó là phần mềm VTEShield 4.0 trong dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.

TS-BS Giang Minh Nhật, Trưởng khoa Hồi sức tim mạch, BV Nhân dân Gia Định, cho biết thuyên tắc tĩnh mạch trên BN nội trú tại các BV tăng 5 - 10 lần so với cộng đồng. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và biến chứng ở BN nhập viện, nhất là BN đã qua phẫu thuật, bất động kéo dài hoặc có yếu tố nguy cơ cao. Nếu BV nào có tỷ lệ BN thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cao thì chứng tỏ chất lượng điều trị tại BV có vấn đề. Điều đó đặt ra vấn đề dự phòng căn bệnh này, Bộ Y tế cũng đã có khuyến cáo. Từ tình hình trên, nhóm nghiên cứu BV Nhân dân Gia định lập phần mềm VTEShield 4.0 phòng ngừa thuyên tắc huyết khối ở người bệnh nằm viện, ứng dụng vào năm 2021.

TS - dược sĩ Phạm Hồng Thắm, Phó trưởng khoa Dược, BV Nhân dân Gia Định, cho biết hướng dẫn của Bộ Y tế là tất cả BN nhập viện phải thực hiện 4 bước: đánh giá nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch; đánh giá nguy cơ BN có bị xuất huyết hay không; lựa chọn biện pháp phù hợp; đưa ra giải pháp.

"Bình thường BS sẽ làm bằng tay với mớ câu hỏi thì mất thời gian suy nghĩ, đánh giá, nhận định... Nhưng ở đây, BS đổ dữ liệu vào và phần mềm VTEShield 4.0 giúp đưa ra cả 4 bước trên, cho ra số điểm, đồng thời phân tầng yếu tố nguy cơ của BN và đưa ra giải pháp thực hiện. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là BS cân nhắc", TS Phạm Hồng Thắm nói.

BV Nhân dân Gia Định có 50.000 BN nội trú/năm, tỷ lệ BN thuyên tắc tĩnh mạch xuất viện tại BV này đã giảm đáng kể. Theo đó, năm 2021 chiếm tỷ lệ 5,1%, năm 2022 là 4,6%, năm 2023 là 2,8%. Phần mềm đã giúp nâng cao chất lượng điều trị cho BN và giảm khối lượng công việc cho nhân viên y tế. Hiện tại, phương pháp này chỉ mới ứng dụng tại khối nội và ngoại khoa. Với kết quả này, BV Nhân dân Gia Định sẽ ứng dụng rộng rãi các chuyên khoa khác như sản khoa, ung thư, đồng thời có thể áp dụng rộng rãi ra các BV khác.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao