Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 3.4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc giao Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, có phương án khai thác sân Mỹ Đình, bảo đảm khai thác hiệu quả, tránh lãng phí, xuống cấp.
Sân Mỹ Đình xUỐNG CẤP NGHIÊM TRỌNG
Bộ VH-TT-DL sẽ báo cáo về thực trạng sân Mỹ Đình đang ở mức "xuống cấp nghiêm trọng". Mặt sân cỏ được cải tạo và đưa vào sử dụng từ năm 2012. Theo quy định, mặt cỏ chỉ được sử dụng từ 5 - 7 năm, nên sau hơn 12 năm khai thác mà không được thay mới, chất lượng mặt cỏ sân Mỹ Đình hiện nay rất xấu, không đảm bảo mỹ quan và tiêu chuẩn thi đấu chuyên nghiệp. Lớp đất cốt nền làm từ năm 2003 đến nay chưa được cải tạo nâng cấp nên đã hết chất nuôi dưỡng cỏ. Hệ thống tưới nước nằm trong mặt sân cũng đã hỏng, dẫn đến việc tưới nước không đều nên nhiều khu vực cỏ bị chết. Tương tự, hệ thống thoát nước không còn tác dụng nên nhiều khu vực cỏ bị úng ngập.

Mặt sân Mỹ Đình không được nâng cấp suốt nhiều năm qua
ẢNH: CHÍ ĐẠT
Công tác bảo trì, bảo dưỡng các hạng mục hạ tầng như mặt sân cỏ, hệ thống chiếu sáng, khán đài, các khu chức năng chưa được thực hiện định kỳ và đầy đủ. Tình trạng xuống cấp đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tổ chức các sự kiện, làm giảm khả năng cạnh tranh và hiệu quả khai thác. Việc nâng cấp, sửa chữa đồng bộ các hạng mục là yêu cầu cấp thiết, nhằm bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn và hình ảnh của một công trình thể thao trọng điểm quốc gia, đủ điều kiện tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế trong thời gian tới.
VIỆC KHAI THÁC MANH MÚN
Bộ VH-TT-DL cũng sẽ phân tích rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất tại sân Mỹ Đình. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về ngân sách và nguồn lực tài chính, các hoạt động khai thác chưa có tính dài hạn và chiến lược, dẫn đến manh mún, thiếu tính bền vững.
Trước năm 2012, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình là đơn vị sự nghiệp nhóm 3, được nhà nước cấp ngân sách chi thường xuyên, duy tu bảo dưỡng và chi đầu tư. Từ năm 2012, khu liên hợp được Bộ VH-TT-DL giao tự chủ nhóm 2 - đồng nghĩa với việc toàn bộ nguồn kinh phí chi thường xuyên và duy tu bảo dưỡng công trình, khu liên hợp phải tự đảm bảo. Giai đoạn từ năm 2012-2018, nguồn thu của khu liên hợp ổn định ở mức cao, đặc biệt năm 2017 doanh thu lên đến hơn 72,5 tỉ đồng. Giai đoạn đó, ban lãnh đạo khu liên hợp đã thực hiện cho thuê các vị trí đất chờ dự án để mang lại nguồn thu cho đơn vị.
Tuy nhiên, năm 2019, Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra toàn diện công tác quản lý sử dụng tài sản công của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra các sai phạm và yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động khai thác có vi phạm. Từ năm 2020, trong lúc chưa được phê duyệt Đề án khai thác tài sản công, khu liên hợp đã gia hạn các hợp đồng cho thuê đã hết hạn nhằm duy trì nguồn thu, đảm bảo chi trả lương và hoạt động tối thiểu cho cán bộ, nhân viên.
NGUỒN THU KHÔNG ỔN ĐỊNH
Mặc dù Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình có tiềm năng lớn để trở thành một trung tâm thể thao - giải trí hàng đầu VN, nhưng hiện nay, với cơ chế tự chủ tài chính, nguồn thu từ hoạt động tự khai thác không đủ để thực hiện các hoạt động sửa chữa lớn, cải tạo cơ sở vật chất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn tổ chức các sự kiện quốc gia và quốc tế. Do vậy, rất cần có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp đồng bộ các hạng mục trọng điểm, phục vụ hiệu quả cho các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, thể thao.
Khu liên hợp thể thao quốc gia hiện nay chủ yếu khai thác tài sản theo hình thức cho thuê địa điểm, phòng, hội trường, sân bãi và tổ chức các sự kiện thể thao, giải trí. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế về nguồn lực và năng lực triển khai, khiến việc khai thác chưa đa dạng và chưa đạt hiệu quả tối ưu. Các nguồn thu chính hiện tại đến từ hợp đồng cho thuê ngắn hạn, không ổn định, gây khó khăn trong việc lập kế hoạch tài chính dài hạn cũng như đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng.