Lứa kế cận ẩn giấu ở đâu: Thầy Kim đang đợi

KHOẢNG CÁCH LỚN GIỮA ĐỘI TUYỂN VN U.22

Trước HLV Kim Sang-sik, HLV Park Hang-seo từng kiến tạo nên kỷ nguyên thành công cho bóng đá VN (2018 - 2022) nhờ xây dựng và chuẩn bị lực lượng rất tốt. Ông nắm trong tay lứa trẻ tài năng và liên tục đưa những gương mặt sáng giá lên đội tuyển VN. Ngày ông Park còn tại vị, cánh cửa giữa đội tuyển quốc gia và U.22 luôn tấp nập cầu thủ "đi đi về về". Ai chứng tỏ được mình ở U.22 thì khoác áo tuyển. Ngược lại, ai không trụ được sẽ về U.22 mài giũa rồi trở lại khi đã sẵn sàng.

Lứa kế cận ẩn giấu ở đâu: Thầy Kim đang đợi- Ảnh 1.

Bùi Vĩ Hào đang có phong độ tốt thì lại dính chấn thương, tạo mối lo cho HLV Kim Sang-sik

ẢNH: NGỌC LINH

Nhờ lớp kế cận chất lượng, ông Park đã tạo nên đội tuyển VN có chiều sâu, khi lứa trụ cột và lứa trẻ "gối đầu" ăn ý, mang lại cả kinh nghiệm, sức chiến đấu lẫn sự cạnh tranh để tập thể ấy gặt hái nhiều thành tích ấn tượng.

Khi tiếp quản đội tuyển VN, HLV Kim Sang-sik từng khẳng định sẽ đi con đường riêng. Ông vẫn kế thừa cách làm của những người tiền nhiệm, khi chú trọng bồi dưỡng tài năng trẻ để ươm mầm tương lai. Tuy nhiên, khác với thầy Park, ông Kim lại chưa có đủ "bột" để gột nên hồ. Nói cách khác, lớp trẻ hiện nay ở đội tuyển VN (từ 2003 đến 2005) đang nhạt nhòa khi đặt cạnh đàn anh.

Tháng 9.2024, ông Kim từng đôn đồng thời 3 viên "ngọc quý" gồm Văn Trường, Văn Khang và Vĩ Hào (cùng sinh năm 2003) lên tuyển. Sau đó 2 tháng, đến lượt Quốc Việt, Thái Sơn, Đình Bắc, Trung Kiên, Văn Việt được gọi. Dù vậy, chỉ có Vĩ Hào, Văn Khang và Trung Kiên trụ lại đến AFF Cup 2024. Trong đó, Vĩ Hào chơi tốt nhất khi đá 6 trận (376 phút), ghi 1 bàn. Văn Khang đá 4 trận (209 phút), sắm vai phương án dự phòng cho Văn Vĩ. Còn Trung Kiên không được thi đấu.

Nếu chức vô địch AFF Cup 2018 in đậm hương vị sức trẻ, khi Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu, Thành Chung… sắm vai trụ cột dù mới chạm ngõ đôi mươi, thì danh hiệu AFF Cup 2024 của đội tuyển VN là sự đóng góp của lứa trưởng thành, chủ yếu sinh từ năm 1995 đến 2000. Còn dấu ấn của lứa sinh từ năm 2001 trở đi là rất khiêm tốn.

Đến tháng 3 vừa qua, khi áp lực thành tích đã hạ bớt (bởi tính chất đá dàn trải trong 1 năm của vòng loại Asian Cup 2027), HLV Kim Sang-sik đã mạnh dạn mở rộng cửa hơn cho người trẻ. Thế nhưng, cũng chỉ có thêm Lý Đức (2003) là phát hiện mới. 

Phép thử lòng kiên nhẫn của HLV Kim Sang-sik

Quang Hải từng khẳng định, mọi cầu thủ ở đội tuyển VN đều được nhìn nhận như nhau. Không ai là cầu thủ trẻ. Mà vốn dĩ, tuổi 22 cũng không nên xem là còn trẻ nữa. Bởi nếu đủ năng lực, các cầu thủ 22 tuổi đã có thể khẳng định chỗ đứng ở V-League và vào sân thường xuyên.

HLV Kim Sang-sik một mặt tạo điều kiện cho "sao mai" lên tuyển, nhưng mặt khác, ông cũng đặt ra tiêu chuẩn công bằng. Tập luyện tốt thì được đá, không có chuyện vì trẻ nên được ưu tiên. Văn Khang chỉ được đá 9 phút ở trận gặp Lào, còn Vĩ Hào đá 25 phút ở màn đọ sức với Campuchia. Lý Đức, Trung Kiên không được vào sân phút nào trong cả hai trận. Đó là thực tế đầy khắc nghiệt cho cầu thủ trẻ, khi trước mắt họ là lứa đàn anh sung mãn và đầy kinh nghiệm.

Đáng lo cho lớp kế cận của đội tuyển VN, khi những Vĩ Hào, Văn Khang, Trung Kiên thực ra đã là những gương mặt trẻ tốt nhất có thể mà HLV Kim Sang-sik cất công chọn lọc. Lứa U.22 VN vừa đá giao hữu ở Trung Quốc cũng có một vài gương mặt triển vọng, như Viktor Lê (Hà Tĩnh), Hồng Phúc, Mạnh Hưng (Thể Công Viettel), Văn Hà (Hà Nội), Nhật Minh (Hải Phòng), Thanh Nhàn, Lê Phát (PVF-CAND)... Các cầu thủ đã hòa cả 3 trận trước các đội mạnh như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Uzbekistan. Điều đó cho thấy, lứa trẻ này có tố chất nhưng cũng giống nhiều lứa khác, chỉ tố chất thôi là chưa đủ.

Mà trong số này, hầu hết đá ở hạng nhất hoặc dự bị ở V-League. HLV Kim Sang-sik dù muốn đi đường tắt cũng khó. Đến triển vọng như Viktor Lê cũng chỉ được vào sân với tần suất vừa phải ở CLB Hà Tĩnh. Các đội bóng không muốn mạo hiểm và thầy Kim cũng vậy. Nếu vội mặc cho cầu thủ tấm áo quá rộng, nguy cơ "chín ép" dẫn đến tàn lụi là rõ ràng. Nhưng nếu không được vào sân, các tài năng trẻ cũng khó tiến bộ.

Khi lứa kế cận còn "lẩn trốn" trong mê cung hoài nghi, thầy Kim buộc phải hài lòng với những con người hiện tại. Cuộc chuyển giao thế hệ vẫn còn là chuyện của tương lai.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao