Đài DW hôm qua (14.4) đưa tin ông Friedrich Merz, người dự kiến nhậm chức Thủ tướng Đức từ đầu tháng 5 tới, đã lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của Nga vào thành phố Sumy (Ukraine) ngày 13.4.
Đức "chơi lớn" hỗ trợ Ukraine
Không chỉ lên án, ông Merz còn nhắc lại sự ủng hộ đối với việc cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine. Theo ông, điều này được thực hiện nếu có sự phối hợp với các đồng minh châu Âu.

Tên lửa Taurus có khả năng hoạt động đa nhiệm
ẢNH: REUTERS
Là loại tên lửa hành trình có tầm bắn lên đến 500 km, Taurus có thể khai hỏa bằng nhiều phương tiện để tấn công các mục tiêu trên đất liền và cả tàu chiến. Với khả năng tác chiến như vậy, nếu được sở hữu tên lửa Taurus thì năng lực tấn công của Ukraine sẽ được nâng cao đáng kể. Điều này có ý nghĩa quan trọng cho năng lực quân sự của Kyiv.
Thời gian qua, Ukraine nhận các loại tên lửa tầm xa ATACMS (300 km) và JASSM (370 km) từ Mỹ, cùng với Storm Shadow (tầm bắn tối đa 500 km) từ Anh. Tuy nhiên, gần đây Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine, nên Kyiv chỉ còn trông chờ tên lửa tầm xa từ Anh. Không những vậy, nếu Anh chuyển giao chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon cho Ukraine, thì Kyiv có thể kết hợp Taurus với Eurofighter Typhoon để thay thế tên lửa JASSM và chiến đấu cơ F-16 do Mỹ cung cấp.
Đức sẽ cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine?
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, Đức từng bước nổi lên như một nhà hỗ trợ quân sự lớn cho Ukraine với tổng ngân sách lên đến 28 tỉ euro (bao gồm các khoản đã cam kết và sắp chuyển giao).
Vai trò quan trọng
Theo công bố của chính phủ liên bang Đức, nước này đã cung cấp nhiều loại vũ khí cho Ukraine như: hơn 100 xe tăng chủ lực Leopard, 140 xe chiến đấu bộ binh Marder, hệ thống phóng tên lửa HIMARS, hệ thống phóng tên lửa Patriot, pháo tầm xa, pháo tự hành, các hệ thống phòng không, hàng trăm máy bay không người lái, các hệ thống rà phá bom mìn, hệ thống điện tử, thiết bị gây nhiễu máy bay không người lái… cùng hàng trăm ngàn quả đạn pháo cỡ lớn.
Đặc biệt, Đức còn gửi cả loại vũ khí mới như xe phòng thủ do Công ty quốc phòng Diehl Defense của Đức mới ra mắt hồi năm 2024. Dòng xe phòng thủ này được trang bị hệ thống quang điện tối tân, đồng thời tích hợp công nghệ thị giác máy để tự động phát hiện mục tiêu, kết hợp cùng nhiều hệ thống điện tử nên có khả năng chống UAV. Chính vì thế, Đức ngày càng đóng vai trò lớn hơn ở châu Âu đối với việc viện trợ quân sự cho Ukraine.
Không những vậy, Đức cũng đang thể hiện vị thế tiên phong đối với việc nâng cao năng lực quân sự cho châu Âu. Năm 2024, Berlin đã đạt mục tiêu ngân sách quân sự tương đương 2% GDP theo NATO đề ra. Vừa qua, sau khi Mỹ gửi đi thông điệp châu Âu phải tự gánh vác an ninh nhiều hơn, Đức đã kêu gọi các thành viên EU sớm đạt mục tiêu chi tiêu quân sự tương đương 2% GDP và tăng lên thêm nữa để ngày càng tự chủ. Bản thân Đức còn tiên phong đặt ra kế hoạch đến năm 2035 thì con số sẽ là 3,5% GDP, đồng thời xem xét hỗ trợ các quốc gia khác trong khối. Berlin cũng dẫn đầu nỗ lực tăng cường ngân sách quốc phòng chung EU lên 800 tỉ euro.
Mới đây, Viện Nghiên cứu châu Âu về quan hệ quốc tế (EIIR) có đánh giá về nỗ lực trên của Berlin. Cụ thể, đánh giá cho rằng chiến dịch quân sự của Nga nhằm vào Ukraine khiến Đức quan ngại về mối đe dọa chung đối với NATO, đặc biệt là các thành viên của khối ở châu Âu. Vì thế, Đức đang trải qua một sự chuyển đổi đáng kể trong học thuyết về quốc phòng, bằng chứng là mục đích thoát khỏi lập trường quân sự hạn chế truyền thống.
"Sự thay đổi mạnh mẽ của tình hình địa chính trị và an ninh trên lục địa châu Âu đã buộc Berlin phải tăng cường đầu tư quân sự, bao gồm hiện đại hóa các lực lượng vũ trang và củng cố sườn phía đông của NATO", EIIR chỉ ra và nhận định: "Đức đang đặt mục tiêu đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các vấn đề an ninh châu Âu, đồng thời hỗ trợ các đồng minh Đông Âu bằng viện trợ quân sự và các cuộc tập trận chung".
Nga xác nhận bắn 2 tên lửa Iskander-M vào Sumy, mục tiêu là sĩ quan Ukraine
Căng thẳng vụ Nga tấn công thành phố Sumy
Hôm qua (14.4), tờ The Guardian đưa tin cuộc tấn công tên lửa của Nga vào thành phố Sumy vừa qua khiến ít nhất 34 người chết và hơn 80 người bị thương. Vụ việc xảy ra ngay trong ngày Lễ Lá của Kitô giáo. Tờ báo dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích Nga, đồng thời kêu gọi: "Cần có các biện pháp mạnh mẽ để áp đặt lệnh ngừng bắn đối với Nga". Nhiều lãnh đạo phương Tây cũng đã lên án Nga. Trả lời báo chí ngay trên chuyên cơ Không lực 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng vụ tấn công "thật khủng khiếp".
Cũng hôm qua, Đài CBS dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi ông Trump đến thăm Ukraine để có thể "hiểu về những gì đang xảy ra ở đây" trước khi đưa ra quyết định.
Đến hôm qua, Moscow chưa phản hồi về thông tin liên quan vụ tấn công ở Sumy.