
Vệ tinh MethaneSAT thu thập dữ liệu và hình ảnh phát thải khí mê tan tại các địa điểm khoan, đường ống và những cơ sở xử lý dầu khí trên khắp thế giới
ẢNH: REUTERS
Hãng Reuters ngày 2.7 dẫn lời Quỹ Phòng vệ môi trường (EDF - trụ sở tại Mỹ) cho hay một vệ tinh trị giá 88 triệu USD do tỉ phú Jeff Bezos tài trợ để theo dõi phát thải khí nhà kính từ ngành dầu khí vừa bị mất trong không gian.
Vệ tinh MethaneSAT trước đó thu thập dữ liệu và hình ảnh phát thải khí mê tan tại các địa điểm khoan, đường ống và những cơ sở xử lý dầu khí trên khắp thế giới. Tuy nhiên, vệ tinh này đã chệch khỏi quỹ đạo cách đây khoảng 10 ngày.
Vị trí sau cùng được ghi nhận là trên khu vực Svalbard của Na Uy và EDF cho biết không có hy vọng tìm lại do vệ tinh này đã mất nguồn điện.
"Chúng tôi xem đây là một bước lùi, không phải một thất bại. Chúng tôi đã đạt được rất nhiều tiến bộ và học hỏi được rất nhiều điều, đến mức nếu không chấp nhận rủi ro này, chúng tôi đã chẳng có được những bài học đó", theo Phó chủ tịch cấp cao Amy Middleton của EDF.
Việc phóng MethaneSAT vào tháng 3.2024 là một cột mốc quan trọng trong chiến dịch kéo dài nhiều năm của EDF nhằm buộc hơn 120 quốc gia đã cam kết vào năm 2021 về cắt giảm khí thải mê tan phải chịu trách nhiệm.
Vệ tinh này cũng nhằm hỗ trợ việc thực thi một cam kết khác của 50 công ty dầu khí tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP28 ở Dubai (UAE) vào tháng 12.2023. Các công ty này hứa sẽ loại bỏ khí mê tan và chấm dứt việc đốt khí tự nhiên theo cách thông thường.
Mê tan là một loại khí nhà kính cực kỳ mạnh, có khả năng làm nóng trái đất cao gấp 80 lần so với CO2 trong khoảng thời gian 20 năm.
Các nhà khoa học cho rằng việc bịt kín các điểm rò rỉ từ các giếng dầu, giếng khí và thiết bị liên quan là một trong những cách nhanh nhất để bắt đầu giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu.
Dù MethaneSAT không phải là dự án duy nhất công bố dữ liệu vệ tinh về khí thải mê tan, những người ủng hộ dự án cho biết nó cung cấp thông tin chi tiết hơn về các nguồn phát thải và đã hợp tác với Google để tạo ra một bản đồ toàn cầu về khí thải có thể được công khai và truy cập rộng rãi.
Theo EDF, việc chế tạo và phóng vệ tinh trên có chi phí là 88 triệu USD. Tổ chức này đã nhận khoản tài trợ 100 triệu USD từ Quỹ Bezos Earth Fund của tỉ phú Bezos vào năm 2020, cùng với sự hỗ trợ tài chính lớn từ các bên khác.
EDF cho biết họ đã mua bảo hiểm để bù đắp tổn thất và các kỹ sư đang điều tra nguyên nhân vụ việc. Tổ chức này khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng các nguồn lực sẵn có, bao gồm cả máy bay được trang bị quang phổ kế phát hiện khí mê tan, để tìm kiếm các điểm rò rỉ khí nhà kính này.