Thuế đối ứng của Mỹ chính thức có hiệu lực

Theo Đài CNBC, hàng hóa nhập khẩu từ 86 quốc gia bắt đầu từ ngày 9.4 sẽ chịu mức thuế đối ứng từ 10 - 84%, với nước chịu thuế lớn nhất là Trung Quốc.

Ông Trump áp thuế đối ứng 34% lên Trung Quốc hôm 2.4, sau đó ký lệnh áp thêm 50% vào ngày 8.4. Cộng dồn với mức thuế 20% trước đó, Trung Quốc sẽ chịu tổng cộng thuế 104% đối với hàng hóa xuất sang Mỹ kể từ khi ông Trump nhậm chức và ban hành chính sách thuế quan.

Sau Trung Quốc, Lesotho là quốc gia chịu mức thuế đối ứng cao thứ 2 là 50%.

Thuế đối ứng của Tổng thống Trump có hiệu lực, chứng khoán ảm đạm

Đến nay, phần lớn các quốc gia chịu thuế đối ứng chưa có động thái đánh thuế trả đũa Mỹ. Tuy nhiên, The Guardian cho hay các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ sớm công bố mức thuế đáp trả. EU hôm nay (9.4) sẽ bỏ phiếu về danh sách những mặt hàng Mỹ sẽ chịu thuế trả đũa. Trong đó, hạnh nhân, đậu nành, rượu, du thuyền, kim cương có thể chịu thuế lên đến 25%.

Thuế đối ứng của Mỹ chính thức có hiệu lực - Ảnh 1.

Một bến cảng tại thành phố Bangkok, Thái Lan

ẢNH: REUTERS

Chính sách thuế quan của ông Trump đã có tác động đáng kể đến thị trường tài chính toàn cầu. Chứng khoán châu Á tiếp tục ghi nhận đợt bán tháo trong ngày 9.4. Chỉ số Nikkei (Nhật Bản) giảm khoảng 4% sau phiên giao dịch buổi sáng. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) giảm khoảng 1,5%.

Tỷ giá giữa nhân dân tệ (Trung Quốc) và USD ngày 9.4 giảm xuống mức thấp nhất trong 19 tháng, với 7.3505 nhân dân tệ đổi 1 USD. Theo Reuters, điều này phản ánh tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Trong khi đó won (Hàn Quốc) trượt giá xuống mức thấp nhất trong 16 năm với 1.473,2 won đổi 1 USD.

Phát biểu tại sự kiện của các nghị sĩ Cộng hòa ngày 8.4, Tổng thống Donald Trump khẳng định ông “biết bản thân đang làm gì” khi đưa ra đòn thuế quan nhằm vào hàng chục nước. Ông cũng cho biết các quốc gia đã gọi điện và đề nghị liên lạc nhằm đạt được thỏa thuận về thuế.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao