
Vật thể liên sao được đặt tên 3I/Atlas
ảnh: AFP PHOTO / DAVID RANKIN, SAGUARO OBSERVATORY
Thiên thể đến từ các vì sao được đặt tên 3I/Atlas và nhiều khả năng có kích thước lớn nhất từng được phát hiện đi ngang hệ mặt trời. Các nhà thiên văn học cho rằng đối tượng là một sao chổi.
AFP hôm 3.7 dẫn lời nhà thiên văn học Peter Veres của Trung tâm Tiểu Hành tinh thuộc Liên minh Thiên văn Quốc tế cho hay vật thể liên sao dường như được bao quanh bởi một lớp khí và một hoặc hai kính thiên văn ghi nhận một cái đuôi rất ngắn.
Ban đầu được gọi là A11pl3Z trước khi được xác nhận có nguồn gốc liên sao, thiên thể này không mang đến mối đe dọa cho địa cầu, theo ông Richard Moissl, người đứng đầu ban phòng phủ hành tinh của Cơ quan Không châu Âu.
"Thiên thể sẽ bay sâu vào bên trong hệ mặt trời, chỉ lướt qua quỹ đạo của sao Hỏa", theo ông Moissl, "nhưng sẽ không va chạm với hành tinh này".
Các nhà thiên văn học vẫn đang hoàn thiện những tính toán của họ, nhưng thiên thể dường như di chuyển với tốc độ hơn 60 km/giây.
Điều đó có nghĩa 3I/Atlas sẽ không bị trói buộc bởi lực hấp dẫn của mặt trời, khác với những cư dân của Thái Dương hệ.
Một đài thiên văn ở Chile là một phần của dự án khảo sát ATLAS nhận tài trợ từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) lần đầu phát hiện thiên thể trên vào ngày 1.7. Các nhà thiên văn học chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đã rà soát lại dữ liệu của những kính thiên văn khác, và lần ngược theo dấu vết của đối tượng đến ít nhất ngày 14.6.
Theo ước tính hiện tại, thiên thể có đường kính từ 10-20 km, tức lớn nhất trong số các vật thể liên sao từng được phát hiện.
Hai "vị khách" liên sao trước đó là 'Oumuamua (2017) và 2I/Borisov (2019).
3I/Atlas sẽ rời hệ mặt trời trong vài năm nữa.