Đông Nam Á tăng cường đối phó lừa đảo qua mạng

Đông Nam Á đang đẩy mạnh các biện pháp đối phó những hang ổ lừa đảo qua mạng đang lợi dụng sự phát triển hạ tầng kỹ thuật số trong khu vực để lừa đảo, rửa tiền và buôn người, gây thiệt hại lớn và đe dọa an ninh khu vực. Số liệu của LHQ cho thấy các vụ lừa đảo qua mạng ở Đông Nam Á gây thiệt hại đến 37 tỉ USD hằng năm, theo chuyên san The Diplomat. Một báo cáo năm 2023 ước tính gần 220.000 người bị đưa vào các hang ổ lừa đảo ở Campuchia, Myanmar và Philippines.

Đông Nam Á tăng cường đối phó lừa đảo qua mạng  - Ảnh 1.

Các nạn nhân Indonesia được giải cứu khỏi hang ổ lừa đảo ở Myanmar trở về nước nhà ngày 18.3

ẢNH: AFP

Siết quy định

Trong động thái mới nhất, chính phủ Thái Lan ngày 13.4 triển khai sắc lệnh khẩn cấp buộc các tổ chức tài chính, công ty viễn thông và nền tảng mạng xã hội chia sẻ trách nhiệm. Theo tờ Bangkok Post, sắc lệnh này quy định rằng các tổ chức tài chính và công ty liên quan phải cung cấp thông tin về các tài khoản, giao dịch tài chính bị nghi liên quan lừa đảo, đồng thời phải đóng băng các tài khoản và giao dịch đó. Đơn vị cung cấp dịch vụ điện thoại và viễn thông phải sàng lọc tin nhắn đáng ngờ, đồng thời Văn phòng Ủy ban Phát thanh và Viễn thông quốc gia Thái Lan phải dừng các dịch vụ viễn thông nếu có dấu hiệu lừa đảo. Những tổ chức không tuân thủ có thể bị phạt đến 500.000 baht (385 triệu đồng).

Tháng trước, Trung tâm Chống lừa đảo thuộc Lực lượng Cảnh sát Singapore cho biết đã phối hợp với 4 ngân hàng lớn ngăn chặn tổng cộng hơn 58 triệu USD suýt bị chuyển vào tài khoản bọn lừa đảo trong 2 tháng trước đó. Sáng kiến phối hợp này dùng công nghệ tự động để nhanh chóng nhận diện và bảo vệ những khách hàng có thể là nạn nhân lừa đảo.

Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Manet trong phiên họp nội các ngày 4.4 chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục đối phó, triệt phá nạn lừa đảo qua mạng. Trước đó hôm 20.2, Campuchia thành lập Ủy ban Đối phó lừa đảo qua mạng, do ông làm chủ tịch. Theo tờ Khmer Times, ủy ban này có nhiệm vụ triển khai các biện pháp phòng chống, triệt phá lừa đảo qua mạng, đưa ra hướng dẫn, phối hợp, hỗ trợ tăng cường hiệu quả của các bộ ngành, lực lượng liên quan.

100.000 người mắc kẹt trong 'ổ lừa đảo' khổng lồ, cảnh sát Thái Lan kêu gọi liên minh đa quốc gia giải cứu

Phối hợp xuyên quốc gia

Bên cạnh việc củng cố các quy định, nhiều quốc gia trong khu vực còn tăng cường phối hợp đối phó lừa đảo qua mạng. Theo Đài NHK, lực lượng cảnh sát Nhật Bản và Thái Lan mới đây đã thảo luận các biện pháp phối hợp triệt phá các hang ổ lừa đảo tại Myanmar gần biên giới Thái Lan. Trước đó, cảnh sát Thái Lan đã giải cứu một số nạn nhân người Nhật bị lừa vào các hang ổ trên.

Trong một nỗ lực phối hợp khác, theo trang Mirage News, Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) mới đây đã cử các chuyên gia tội phạm mạng đến hỗ trợ huấn luyện lực lượng chức năng Philippines về các xu hướng tội phạm mạng mới nổi và công nghệ do chúng sử dụng. Bên cạnh đó, mạng lưới văn phòng đại diện của AFP đang làm việc với các cơ quan chức năng tại Philippines, Campuchia, Thái Lan và Myanmar để triệt phá các hang ổ lừa đảo.

Nhận định về nạn lừa đảo qua mạng, Thượng nghị sĩ Philippines Risa Hontiveros cho rằng bọn tội phạm hoạt động xuyên biên giới, nên cần tăng cường cách tiếp cận mang tính khu vực. Trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Philippines mới đây, bà kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xây dựng bộ quy tắc ứng xử nhằm triệt phá các trung tâm lừa đảo, giải cứu các nạn nhân và buộc bọn tội phạm chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, bà kêu gọi ASEAN phối hợp với những nước có công dân là nạn nhân như Mỹ, Đức, Anh và Úc để đối phó hiệu quả hơn.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao