Bà Emma McConnachie, người phát ngôn của Học viện Trị liệu Chân Hoàng Gia (Anh) chia sẻ trên nhật báo Independent rằng các bác sĩ chuyên trị liệu chân không chỉ điều trị móng chân mọc ngược, vết chai, mụn cóc hay tiến hành tiểu phẫu, mà còn phát hiện nhiều vấn đề sức khỏe thông qua các dấu hiệu ở bàn chân.
Bệnh tim, tiểu đường hoặc các bệnh lý thần kinh
Các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như vấn đề về huyết áp, bệnh tim mạch và tuyến giáp đều có thể ảnh hưởng đến da ở bàn chân và cẳng chân.
Bệnh tim, tiểu đường, hút thuốc lá và uống rượu nhiều có thể khiến các đầu dây thần kinh ngừng hoạt động bình thường, gây ra thay đổi về cảm giác ở bàn chân, chẳng hạn như ngứa ran hoặc tê.

Dấu hiệu cảnh báo sớm nhiều loại bệnh có thể bắt đầu từ bàn chân
Ảnh minh họa: AI
Bà McConnachie khuyên: "Hãy cố gắng ghi chú lại vị trí nào trên bàn chân bạn đang có những thay đổi và liệu điều gì khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn hay tốt hơn không".
Ngoài ra, bệnh tiểu đường, các chấn thương thần kinh (như đột quỵ) có thể dẫn đến những thay đổi đột ngột về hình dạng bàn chân, được gọi là tình trạng bàn chân Charcot (do dây thần kinh ngoại biên di truyền Charcot-Marie-Tooth bị tổn thương).
Vấn đề tuần hoàn, gan, thận
Nếu bạn nhận thấy sự thay đổi ở bàn chân và mắt cá chân của mình như sưng tấy rõ rệt hoặc màu sắc loang lổ, thì đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề về tuần hoàn.
Bà McConnachie giải thích: "Những thay đổi có thể chỉ xảy ra ở một chi hoặc ở cả hai chi. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về kích thước hoặc màu sắc của bàn chân và mắt cá chân thì hãy liên hệ với bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ chuyên khoa chân của bạn".
Chân thường sẽ lạnh hơn vào những tháng mùa đông khi nhiệt độ giảm, vì vậy, hãy đảm bảo chân và cẳng chân của bạn được cách nhiệt bằng quần áo ấm để hạn chế tình trạng giảm nhiệt độ đột ngột.
Bà McConnachie còn cho biết, ngứa chân không chỉ là dấu hiệu bị nhiễm nấm hoặc chưa dưỡng ẩm đủ, mà nó cũng có thể phản ánh các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn về thận hoặc gan, hay sự thay đổi nội tiết tố.
U hắc tố
Móng bị chấn thương giải phóng một lượng nhỏ máu dưới móng, hoặc nhiễm nấm có thể gây ra tình trạng đổi màu nâu cam.
Tuy nhiên, theo bà McConnachie, u hắc tố dưới móng chiếm 3,5% tổng số u hắc tố trên thế giới, 90% trong số này phát hiện ở ngón tay hoặc ngón chân cái.
U hắc tố có thể ảnh hưởng đến bất kỳ màu da nào và thường xuất hiện dưới dạng vết màu sẫm hơn dưới móng. Móng chân mất ít nhất sáu tháng để mọc ra, điều này có thể khiến bạn khó nhận biết các vết thâm trên móng.
Do đó, bất kỳ ai lo lắng về móng chân bị đổi màu nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa chân để thăm khám sớm và điều trị kịp thời.