'Vàng trắng' của Việt Nam mới bằng 10%
Ngày 12.4, Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm "Gỡ vướng để phát triển thương hiệu ngành yến sào". TSKH Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho biết: Sản phẩm yến sào đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao và được ví như "vàng trắng", doanh thu thị trường này hàng năm ước tính trên 5 tỉ USD với tổng sản lượng khoảng 2.800 tấn, trong đó Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Tuy nhiên, dù ký được nghị định thư với Trung Quốc nhưng sản lượng xuất khẩu vẫn còn hạn chế.

Yến sào - "vàng trắng" của Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh
ẢNH: CHÍ NHÂN
Tại Việt Nam, nghề nuôi yến mới xuất hiện từ năm 2004, ban đầu do một số doanh nghiệp nhà nước như Công ty Yến sào Khánh Hòa, Ban Quản lý và khai thác yến sào Bình Định… triển khai sau đó có sự tham gia của nhiều công ty tư nhân, hộ gia đình… Trong một thập kỷ qua, nghề nuôi chim yến tại Việt Nam đã phát triển mạnh. Hiện có khoảng 42/63 tỉnh thành có nuôi chim yến với 23.665 nhà yến và tổng giá trị yến sào của Việt Nam ước đạt 500 triệu USD. "Thực tế về thị trường và năng lực sản xuất của Việt Nam cho thấy tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta rất lớn, là ngành cho sản phẩm có giá trị cao", TS Thắng nhận định.
Nhà báo Nguyễn Thái Bình, Phó tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, cho biết: Nuôi yến là ngành kinh tế đang phát triển và hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay trong quá trình phát triển vẫn còn không ít khó khăn. "Chúng tôi rất mong sẽ lắng nghe được nhiều ý kiến đa chiều từ những người làm chính sách, chuyên gia pháp lý, đại diện các cơ quan quản lý và đặc biệt là tiếng nói từ các doanh nghiệp để cùng đề xuất giải pháp giúp ngành này phát huy tối đa lợi thế và phát triển bền vững", ông Bình chia sẻ.
Làm sao khai thác tối đa tiềm năng?
Theo các doanh nghiệp, trong khâu sản xuất vấn đề khó khăn là việc cấp phép và mã số cho các nhà nuôi yến, trong khi khâu tiêu thụ lại phải đối mặt với hàng giả hàng nhái tràn lan. Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Yến sào Khánh Hòa, nói: Trên thị trường có nhiều sản phẩm giả, nhái thương hiệu lớn với giá chỉ có 9.000 - 15.000 đồng/lọ. Thực tế nếu dùng phụ gia để làm ra những sản phẩm này thì giá thành còn cao hơn thế. Điều này rất nguy hiểm đối với sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần phải cẩn trọng với những sản phẩm giả, nhái.
Ông Tạ Đình Vũ Đàm, Phó tổng giám đốc, Công ty CP Yến sào Nha Trang nêu vấn đề, nhiều hộ nuôi yến xây dựng trên đất ở, đất nông nghiệp nhưng việc xây dựng này chưa được công nhận là hợp pháp, khiến hơn 80% nhà yến trên toàn quốc chưa được cấp giấy phép chính thức. Dù luật Chăn nuôi 2018 đã đề cập đến việc quy hoạch vùng nuôi chim yến nhưng việc triển khai trên thực tế còn chậm, gây ảnh hưởng đến quy mô đầu tư và quyền lợi của các cơ sở nuôi yến.
TS Thắng nhận xét: Do phát triển với tốc độ khá nhanh nên việc nuôi yến hiện còn khá tự phát, thiếu quy chuẩn thống nhất trên toàn quốc. Phương pháp nuôi không đồng bộ khi kết hợp kinh nghiệm tự phát với các tiêu chuẩn tham khảo rời rạc khiến quy trình nuôi chưa tối ưu, dẫn đến chất lượng tổ yến thiếu ổn định.
"Để tăng nguồn thu từ "vàng trắng" này, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược cho ngành. Trong đó cần đặc biệt chú ý tới việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm yến sào Việt Nam thành một thương hiệu mạnh trên trường quốc tế. Ngoài ra cần quy hoạch vùng nuôi yến ở những nơi có tiềm năng cao. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần sớm ban hành qui trình cấp phép và công nhận cơ sở chăn nuôi chim yến là công trình xây dựng khác trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản khác trên đất theo luật Chăn nuôi năm 2018", ông Thắng đề xuất.