Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo hoãn áp thuế đối ứng với các nước trong 90 ngày, mức thuế đối ứng giảm trong thời gian này chỉ là mức cơ sở 10%, riêng hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế 125% và có hiệu lực ngay.
Trước đó, thuế đối ứng được Mỹ tuyên bố áp với hàng hóa các nước từ ngày 9.4; mức thuế với hàng hóa từ Việt Nam là 46%.

Trong 90 ngày Mỹ hoãn thuế đối ứng dự báo sẽ xảy ra nhiều biến động liên quan đến logistics
ẢNH: NGUYÊN NGA
Chia sẻ tại tọa đàm "Mỹ áp thuế: Các kịch bản và ứng phó hậu đàm phán" do Trang tin điện tử Vietnambiz tổ chức ngày 11.4, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho biết sau khi nhận được thông tin hoãn thuế, các doanh nghiệp đối tác ở Mỹ lập tức lên kế hoạch kinh doanh theo từng tuần chứ không phải theo từng tháng như trước đây.
Dự kiến, trong 90 ngày này sẽ xảy ra nhiều biến động liên quan đến logistics nếu hàng hóa từ các nước đồng loạt "chảy" vào Mỹ.
Đối thủ của Vina T&T Group chủ yếu ở thị trường Đông Nam Á, nếu đánh thuế thì mức thuế tương đương Việt Nam, sức cạnh tranh giữa các quốc gia với nhau trên đất Mỹ không đến mức chênh lệch. Tuy nhiên, không phải người Mỹ nào cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để sử dụng hoa quả nhập khẩu khi thuế tăng. Đây là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay.
"Để thích ứng được với những biến động, chúng tôi liên tục làm việc với các đối tác, san sẻ một phần lợi nhuận bù vào phần thuế, giảm cú sốc thị trường.
Chúng tôi cũng ngay lập tức đàm phán với các hãng tàu để làm sao giá cước giảm đi một chút. Các bên đều đang liên kết với nhau nhằm duy trì thị trường Mỹ, từ doanh nghiệp bao bì đến các đơn vị cung cấp dịch vụ cho chúng tôi đều ngồi lại với nhau, đưa ra phương án đối ứng", ông Tùng nói.
Bên cạnh tìm mọi cách thích ứng với thị trường Mỹ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam đang tính chuyện thúc đẩy nhanh chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác như Canada, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Nhìn nhận hiện tại doanh nghiệp dễ bị tổn thương, ông Tùng kiến nghị chính sách thuế cần ưu ái cho doanh nghiệp. Cạnh đó, các vấn đề lãi suất ngân hàng và thời gian trả nợ cũng cần được quan tâm.

Nhiều doanh nghiệp đang tranh thủ thời gian, đẩy nhanh tiến độ các đơn hàng xuất Mỹ
ẢNH: TN
"Mong các ngân hàng gia hạn thời gian trả nợ, ưu đãi lãi suất… để hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là những điều có thể làm ngay được", ông Tùng nói.
Ông Lê Khánh Lâm, Phó tổng giám đốc Điều hành dịch vụ thuế và tư vấn Công ty TNHH Kiểm toán & Tư vấn RSM Việt Nam, phân tích hiện nay, Việt Nam đã ký khoảng gần 20 FTA, trong đó 17 FTA đã có hiệu lực. Khi tính đến vấn đề giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, đầu tiên cần tăng tốc tận dụng tốt các FTA này.
Về dài hạn, các vấn đề về thể chế, cải cách hay thực sự có những thay đổi chính sách để thị trường mở hơn, không chỉ dừng lại ở vấn đề về thương mại, xuất khẩu mà mở hơn ở các khía cạnh thị trường lao động, thị trường vốn hoặc các quy định khác để yếu tố nền kinh tế thị trường được công nhận mạnh mẽ hơn cũng là vấn đề cần tính đến.
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), cho rằng bên cạnh triển khai quyết liệt câu chuyện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Việt Nam cần đẩy nhanh, mạnh hơn việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên năng suất lao động, khoa học - công nghệ, nhân lực trình độ cao… Việc này không thể tiến hành "ngày một ngày hai", nhưng buộc phải làm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng lưu ý, ngoài hướng tới các thị trường xuất khẩu mới, doanh nghiệp cần chú tâm hơn tới thị trường nội địa hơn 100 triệu dân. Doanh nghiệp Việt cần xây dựng chuỗi cung ứng nội địa vững chắc, tạo sức chống chịu cao nhất với những cú sốc nằm ngoài dự kiến.