Hơn 1 triệu tỉ đồng cho vay bất động sản tại TP.HCM trong 2 tháng đầu năm

Đến cuối tháng 2.2025 tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM đạt 1,098 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 28% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 1,15% so với cuối năm 2024. Mức tăng này cao hơn tốc độ tăng của tín dụng chung trên địa bàn trong 2 tháng đầu năm.

Trong đó, tín dụng cho vay bất động sản tiêu dùng, cho vay mục đích để ở, để sử dụng vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 66% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn. Tín dụng cho vay nhà ở (bao gồm nhà ở xã hội; nhà ở thương mại; nhà ở khác…) đạt trên 600.000 tỉ đồng, tăng 0,67% so với cuối năm và tăng 7,39% so với cùng kỳ.

 - Ảnh 1.

Ngân hàng cho vay mua nhà tăng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Ngoài ra, tín dụng bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ (cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp khu chế xuất; xây dựng văn phòng cao ốc; cho vay xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng...) vẫn tăng trưởng tốt và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản chung trên địa bàn. Cụ thể, cho vay khu công nghiệp khu chế xuất đạt 56.550 tỉ đồng tăng 2,7% so với cuối năm và tăng 33% so với cùng kỳ; cho vay xây dựng, sửa chữa, đầu tư phát triển nhà hàng khách sạn, khu du lịch, sinh thái và nghỉ dưỡng đạt: 28.068 tỉ đồng tăng 5,7% so với cuối năm và tăng 44,4% so với cùng kỳ.

Diễn biến của dư nợ bất động sản nhóm này, phù hợp với sự tăng trưởng và phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch. Trong đó hoạt động du lịch tăng trưởng, là yếu tố thúc đẩy tín dụng bất động sản phục vụ lĩnh vực này tăng trưởng cao nhất, mặc dù chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 2, tăng trưởng tín dụng bất động sản trong thời gian qua, gắn với các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ tăng trưởng, không chỉ phản ánh xu hướng và tác động tích cực qua lại giữa các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế, mà còn mang ý nghĩa toàn diện. Trong đó, tín dụng nhà ở đã tăng trưởng trở lại trong 2 tháng qua (tháng 1 tăng 0,51%; tháng 2 tăng 0,16%). Diễn biến này là tích cực và có tác động thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi, đồng thời góp phần quan trọng vào việc thực hiện chiến lược quốc gia về nhà ở. Đối với các tổ chức tín dụng, tăng trưởng tín dụng bất động sản lĩnh vực tiêu dùng không chỉ bảo đảm hiệu quả tín dụng mà còn kích thích tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, người trẻ dưới 35 tuổi.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao