Sau khi giảm mạnh đầu ngày 9.4, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng mỗi lượng vàng 900.000 đồng ở chiều bán ra, lên 100,5 triệu đồng; trong khi đó chiều mua vào tăng nhẹ 300.000 đồng, lên 98,3 triệu đồng.
Các công ty kinh doanh vàng khác cũng có hướng điều chỉnh giá vàng tương tự, bán đắt mua rẻ. Tập đoàn Doji mua vào 98 triệu đồng, bán ra 100,2 triệu đồng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 98,4 triệu đồng, bán ra 100,5 triệu đồng… Khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng được rút ngắn 2,1 - 2,2 triệu đồng.

Giá vàng miếng SJC lại tăng vượt 100 triệu đồng/lượng
ẢNH: NGỌC THẠCH
Giá vàng nhẫn cũng đã tăng 500.000 - 700.000 đồng mỗi lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào vàng nhẫn lên 98,7 triệu đồng, bán ra 100,8 triệu đồng, đây là mức giá vàng nhẫn cao nhất trên thị trường. Kế đến, Công ty Phú Quý mua vào lên 98 triệu đồng, bán ra 100,5 triệu đồng. Tập đoàn Doji mua vào 98 triệu đồng, bán ra 100,2 triệu đồng…
Vàng thế giới đã tăng mạnh trở lại, vượt qua 3.000 USD/ounce. Kim loại quý trên thị trường thế giới tăng 23 USD, lên 3.007 USD/ounce. Diễn biến vàng thế giới cho thấy, sau khi giảm mạnh 2 lần xuống mức 2.970 USD/ounce, giá vàng đã tăng vọt lên lại trên mức 3.000 USD/ounce. Giá vàng trong nước cao hơn thế giới từ 5,2 - 5,5 triệu đồng/lượng.
Giá USD trong nước vẫn không ngừng tăng lên. Trên thị trường liên ngân hàng, giá đồng bạc xanh lần đầu tiên vượt qua mức giá 26.000 đồng, lên 26.025 đồng/USD, tăng thêm 80 đồng so với trước đó. Các ngân hàng tăng giá đô la Mỹ thêm 2 - 10 đồng, ACB lên 25.810 - 25.840 đồng chiều mua vào, bán ra 26.182 đồng; Vietcombank mua vào 26.792 - 25.792 đồng, bán ra 26.182 đồng…
Giá USD đang ở mức cao kỷ lục. Các ngân hàng đã tăng 1.052 đồng mỗi USD so với cách đây một năm, tương đương mức lên giá 4,2%. Trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh tăng thêm 10 - 20 đồng, lên 26.130 đồng chiều mua vào, bán ra 26.230 đồng.