Đẩy mạnh mua hàng Mỹ
Số liệu mà Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 5.2 cho thấy, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ năm 2024 đạt mức kỷ lục với 1.200 tỉ USD. Đáng lưu ý, VN vọt lên vị trí thứ 4 về thặng dư thương mại với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc, EU và Mexico.

Tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ là một trong các phương án ứng phó chiến tranh thương mại lan đến VN
ẢNH: NGUYÊN NGA
Để ứng phó với đòn thuế quan, rất nhiều nước đã có động thái tăng mua hàng hóa từ Mỹ. Đơn cử mới đây, Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu các công ty hóa dầu của quốc gia này mua thêm ethane từ Mỹ với sản lượng ít nhất là 1 triệu tấn, có giá thị trường khoảng 200 triệu USD. Thái Lan cũng có kế hoạch tăng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như đậu nành, các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ.
Tương tự, trong dự thảo ngân sách liên bang công bố đầu tháng tháng 2, Ấn Độ đã đề xuất giảm thuế đối với một loạt sản phẩm bao gồm xe máy, hàng điện tử, khoáng sản quan trọng và pin lithium-ion. Theo Reuters, Ấn Độ có thể giảm thuế hàng chục lĩnh vực và mua thêm thiết bị năng lượng và quốc phòng từ Mỹ.
Mặc dù đến nay, VN vẫn nằm ngoài danh sách các quốc gia bị đánh thuế lần này, song ở vị trí thứ 4 thế giới về xuất siêu sang Mỹ, VN bắt buộc phải có giải pháp ứng phó với nguy cơ bị áp thuế hàng hóa, nguy cơ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại…
Theo Reuters, dù không đề cập rõ ràng VN là mục tiêu thương mại, song mức thuế mới 25% mà Mỹ áp dụng đối với thép và nhôm trong tuần qua cũng sẽ ảnh hưởng đến quốc gia Đông Nam Á. Với chính sách áp dụng thuế quan có đi có lại trên toàn cầu của Mỹ, VN cần có sự chuẩn bị nhất định. Việc VN nhanh chóng cam kết nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ cũng như các biện pháp bù đắp khác có thể giúp tránh được các biện pháp trừng phạt từ Mỹ.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cấp cao của Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, phân tích: Trước đây, ứng phó với đòn trừng phạt liên quan thuế quan hàng hóa vào Mỹ, chúng ta thường đẩy mạnh chiến dịch đa dạng hóa thị trường. Thực tế, không ít doanh nghiệp, ngành hàng đã gặt hái được thành quả, có thêm đối tác mới.
"Tuy vậy, kịch bản quan trọng lúc này là đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, cụ thể là tăng mua sắm hàng hóa, nguyên vật liệu, máy móc từ Mỹ, càng sớm càng tốt. Theo tôi biết, doanh nghiệp ngành hàng của chúng ta đã tăng ký kết thương mại với Mỹ. Lãnh đạo ngành công thương của chúng ta cũng khẳng định mở cửa mua nông sản… Các động thái này cho thấy chúng ta hoàn toàn có thiện chí để thu hẹp mức thâm hụt thương mại giữa 2 nước. Tăng mua hàng từ Mỹ là một trong những phương án quan trọng mà ngành sản xuất công nghiệp, thương mại… phải thực tâm chú trọng trong thời gian tới. Không tham vọng cân bằng thương mại 2 nước, song thiện chí để cải thiện, thu hẹp khoảng cách thặng dư thương mại không nên coi chỉ là kịch bản mà phải thành chiến lược để ứng phó rủi ro khi chiến tranh thương mại leo thang", ông Lạng nhấn mạnh.
Những nhóm hàng nào có thể tăng mua từ Mỹ ?
Trong thực tế, VN đã và đang gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, không chờ đến khi chiến tranh thương mại leo thang.
Cụ thể, năm 2024, VN chi hơn 15 tỉ USD nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, tăng gần 10% so với năm 2023. Trong đó, nhập máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 4,34 tỉ USD, so với mức hơn 3,8 tỉ USD trong năm 2023; nhập máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ Mỹ lên gần 1,1 tỉ USD, so với mức gần 919 triệu USD trong năm 2023; nhập dược mỹ phẩm tăng hơn 120 triệu USD.
Đặc biệt, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ Mỹ trong năm 2024 cũng đạt gần 1,02 tỉ USD, tăng mạnh so với mức gần 762 triệu USD trong năm trước đó; nhập rau quả là 544 triệu USD, tăng so với 332 triệu USD năm 2023. Đây cũng là nhóm hàng nhập khẩu mà Bộ trưởng Bộ Công thương cam kết có thể tăng nhập khẩu trong năm nay.
Mới đây, Reuters dẫn lời người đứng đầu Bộ Công thương VN nói với Đại sứ Mỹ tại VN rằng VN sẵn sàng mở cửa thị trường và tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ. Theo số liệu của Mỹ, hơn 1/4 lượng hàng xuất khẩu của Mỹ sang VN trong năm 2024 là sản phẩm nông nghiệp như bông, đậu nành và các loại hạt cây với tổng trị giá hơn 3,4 tỉ USD.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng gợi ý, kế hoạch phát triển công nghiệp bán dẫn của chúng ta, máy móc và thậm chí con người để phát triển ngành công nghiệp này cũng nên "ưu tiên từ Mỹ".
Chuyên gia thương mại Nguyễn Lý Trường An, giảng viên Khoa Thương mại - Trường đại học Tài chính - Marketing, cũng cho rằng VN cần chủ động hơn trong việc kêu gọi doanh nghiệp trong nước tăng mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu chất lượng cao từ Mỹ, thay vì phụ thuộc các thị trường khác. Đặc biệt, Mỹ là quốc gia có ngành công nghiệp sản xuất pin năng lượng tái tạo lớn, chỉ sau Trung Quốc, chúng ta có thể nghiên cứu nhập từ nước này.
"Nhìn quanh thì chỉ có mặt hàng máy bay Boeing là sản phẩm có giá trị cao nhất VN nhập từ Mỹ. Tuy vậy, cơ hội tăng kim ngạch đối với các nhóm hàng thực phẩm, thời trang; điện và điện tử; nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; hàng xa xỉ như nước hoa, ô tô… đều còn dư địa. Cứ theo thuyết năng nhặt chặt bị, việc đẩy mạnh mua hàng từ Mỹ không quá khó. Bởi đó là những mặt hàng mà chúng ta có nhu cầu thực sự. Chúng ta không có tham vọng cân bằng cán cân thương mại, nhưng chính sách khuyến khích doanh nghiệp tăng nhập khẩu hàng hóa máy móc, điện tử từ Mỹ là nên có. Sắp tới, các nhóm hàng mà VN có xu hướng nhập khẩu tăng khí hóa lỏng (LNG), trang thiết bị an ninh, chip phát triển trí tuệ nhân tạo (AI)... để hướng tới thương mại song phương hài hòa, bền vững giữa VN và Mỹ", ông An gợi ý.
Đến nay, thông tin cập nhật thì hãng hàng không Vietjet đẩy mạnh mua máy bay Boeing của Mỹ. Năm 2025, dự kiến có khoảng 14 chiếc tàu bay 737 Max sẽ được Boeing giao cho Vietjet. Trước đó, năm 2017, Vietjet cũng đã đặt mua 100 chiếc, nâng tổng số lượng máy bay Vietjet đặt mua từ Boeing lên 200 chiếc 737 Max. Với giá khoảng 100 triệu USD/chiếc, tổng giá trị đơn hàng của riêng 1 hãng hàng không này với thị trường Mỹ lên hàng chục tỉ USD.
"Chính sách của Mỹ hiện tại là đánh vào các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn. Giải pháp trước mắt là phải thu hẹp khoảng cách này để không bị "soi" đã. Giải pháp bắt buộc là phải tăng nhập khẩu từ Mỹ. VN là đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ, việc tăng mua hàng của 2 bên là hình thức thúc đẩy kinh tế phát triển, giảm thặng dư thương mại, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ. Tôi nghĩ giải pháp trước mắt và lâu dài, ít nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump, phải làm được điều này", PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.
Một trong những quy tắc trong Tổ chức thương mại thế giới là cân bằng thương mại, nhưng nhiều năm qua, cán cân thương mại Mỹ - Việt luôn thặng dư và cán cân nghiêng dư về phía VN. Thế nên, ngành công thương đang nghiên cứu, đánh giá tình hình và nhận thấy nguy cơ VN cũng sẽ được Mỹ sử dụng biện pháp tiến trình để cân bằng cán cân áp dụng với Trung Quốc. Do đó, chúng ta bắt buộc phải có giải pháp ứng phó sớm, trong đó có giải pháp tăng nhập hàng hóa từ Mỹ.
Ông Vũ Bá Phú
(Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương)