Theo phương án do Sở GTCC xây dựng trước đó, dự án đường mở mới Tây Bắc dài khoảng 19,8 km, điểm đầu tại quốc lộ 1A (quận Bình Tân) và điểm cuối tại Vành đai 4, gần thị trấn Hậu Nghĩa (Long An), quy mô từ 6 - 8 làn xe.
Trong đó, đoạn TP.HCM gồm nâng cấp đường Nguyễn Thị Tú và đường Liên ấp 6-2-5 với tổng chiều dài 10 km, chiều rộng 40 m; đoạn tỉnh Long An làm mới chiều dài 4,8 km chiều rộng 40m.

Hướng tuyến đường mở mới Tây Bắc đoạn qua TP.HCM
ẢNH: SỞ GTCC TP.HCM
Tuyến đường sẽ nối từ đường Vành đai 2 TP.HCM (quốc lộ 1), đi qua khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), kết nối vào đường tỉnh 823D của Long An. Dự án cũng đầu tư nút giao hoàn chỉnh đường Vành đai 3 TP.HCM. Dự kiến tổng mức đầu tư cho đoạn qua địa phận TP.HCM là khoảng 8.800 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 3.900 tỉ đồng. Thực tế, thời điểm đề xuất năm 2021, tổng mức đầu tư dự án đoạn qua TP.HCM ước tính chỉ khoảng 5.200 tỉ đồng, gồm phần giải phóng mặt bằng khoảng 3.900 tỉ đồng.
Sở GTCC TP đánh giá tuyến đường này sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn (TP.HCM) và huyện Đức Hòa (Long An), do khu vực này tập trung nhiều khu công nghiệp lớn. Đồng thời, hình thành trục giao thông xuyên tâm, kết nối Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4 và trục động lực Đức Hòa, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp đến các cảng trọng yếu của TP.HCM và Long An.
Dự án đã nhận được sự thống nhất của Thành ủy TP.HCM, Tỉnh ủy Long An và đã được bổ sung vào các đồ án quy hoạch có liên quan. Sau khi Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được phê duyệt, Sở sẽ tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2030.
Theo Ban Giao thông, để đảm bảo tiến độ thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong năm 2025, đồng thời sẵn sàng các điều kiện cần thiết để có thể triển khai dự án ngay từ đầu giai đoạn trung hạn 2026 - 2030, việc bố trí nguồn vốn chuẩn bị đầu tư là hết sức cần thiết.
Vì vậy, Ban Giao thông kiến nghị Sở GTCC xem xét, tham mưu UBND TPHCM bố trí kinh phí trong năm 2025 nhằm thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư cho dự án trọng điểm này.
Mới đây, Ban Giao thông cũng đã có văn bản kiến nghị bố trí 8.400 tỉ đồng làm đường nối đại lộ Đông Tây (đường Võ Văn Kiệt) tới Long An. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang xúc tiến dự án quốc lộ 50B, mở rộng quốc lộ 1 và Nguyễn Văn Bứa, nhằm tăng kết nối với tỉnh Long An.