‘Bàn tay vàng’ Lù Thị Vân kể chuyện đổi đời nhờ cây cao su

Trong hành trình phát triển đó, gia đình anh Lường Văn Tâm và chị Lù Thị Vân, những công nhân gắn bó với Công ty cổ phần Cao su Mường Nhé Điện Biên, là một trong những tấm gương tiêu biểu. Họ không chỉ làm nghề bằng sự cần cù mà còn bằng niềm tin và lòng trung thành với cây cao su - loại cây được ví như "vàng trắng" của vùng biên giới.

‘Bàn tay vàng’ Lù Thị Vân kể chuyện đổi đời nhờ cây cao su - Ảnh 1.

Năm 2024, chị Lù Thị Vân gây bất ngờ ở hội thi Bàn tay vàng cạo mủ cao su khi chỉ trong 13 phút đã cạo được 100 cây

ẢNH: THÚY LIỄU

Bước ngoặt cuộc đời từ sắc xanh cao su

Vợ chồng anh Tâm và chị Vân đều sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên. Trước khi bén duyên với "vàng trắng", cuộc sống của họ cũng như bao gia đình vùng cao khác: dựa vào nương rẫy, bấp bênh, bữa đói bữa no cứ thế trôi đi trong lo toan.

Năm 2010, anh Tâm cùng gia đình lên Mường Nhé lập nghiệp, gắn bó với nghề cạo mủ cao su. Từ đó, cuộc sống của gia đình anh chị dần thay đổi một cách ngoạn mục. Cả anh Tâm và chị Vân đều tìm thấy ở cây cao su một tình yêu nghề sâu sắc và sự gắn bó bền chặt. Với 15 năm kinh nghiệm, anh Lường Văn Tâm là một trong những công nhân kỳ cựu của Cao su Mường Nhé Điện Biên.

Anh Tâm chia sẻ: "Ngay từ những ngày đầu đặt chân đến đây, tôi đã có tình cảm đặc biệt với vùng đất này. Có lẽ đó là cái duyên. Còn nghề cao su thì hợp với mình, thu nhập ổn định, có tiềm năng phát triển. Mình yêu nghề thì mới gắn bó được lâu như vậy".

Chị Lù Thị Vân cũng có tình yêu và sự nghiêm túc với nghề không hề kém cạnh chồng. Trong Hội thi Bàn tay vàng ngành cao su năm 2024, chị Vân đã vụt sáng như một vì sao với thành tích phi thường: đạt tuyệt đối 100 điểm chỉ trong vỏn vẹn 13 phút. Đó là kết quả của sự rèn luyện không ngừng nghỉ, từ việc nắm chắc lý thuyết chuyên sâu đến thực hành nhuần nhuyễn.

‘Bàn tay vàng’ Lù Thị Vân kể chuyện đổi đời nhờ cây cao su - Ảnh 2.

Nhờ làm công nhân cao su, đời sống của gia đình chị Vân bớt nhọc nhằn hơn, có điều kiện để lo cho con cái được đầy đủ

ẢNH: THÚY LIỄU

Chị Vân kể: "Địa hình trên này là đồi dốc, đi làm hàng ngày phải băng suối, vượt đèo. Nhiều khi thời tiết khắc nghiệt, đường trơn trượt, nhưng tôi vẫn không nản lòng. Có lẽ vì quen với điều kiện khó khăn, nên khi thi ở địa hình bằng phẳng, tôi cảm thấy thuận lợi hơn và làm tốt hơn".

Chị Vân tâm sự, khi vào làm công nhân cao su, thu nhập của 2 vợ chồng ổn định hơn, cuộc sống được đảm bảo, chị có thêm thời gian để vun vén, chăm sóc cho con. Từ đó, gia đình chị có điều kiện sửa sang lại căn nhà đang ở, mua sắm thêm ti vi, laptop cho con học tập. Cây cao su không chỉ mang lại nguồn thu nhập mà còn là bệ phóng cho một cuộc sống an cư lạc nghiệp, thắp lên ngọn lửa hy vọng cho những người công nhân vùng biên.

"So với trước kia làm ruộng cả năm chỉ thu được vài tạ thóc thì nay làm công nhân cao su thu nhập ổn định, mỗi tháng cũng được hơn 10 triệu. Đó là điều mà trước đây chúng tôi chưa từng dám nghĩ đến", anh Tâm kể lại những ngày tháng cũ.

Điểm tựa vững chắc và niềm tự hào chung

Không chỉ là những công nhân xuất sắc trên vườn cây, anh Tâm và chị Vân còn là một cặp đôi hòa hợp, luôn là điểm tựa vững chắc cho nhau. Thành công của chị Vân tại Hội thi Bàn tay vàng không thể thiếu bóng dáng của người chồng thầm lặng, luôn ủng hộ và sẻ chia.

‘Bàn tay vàng’ Lù Thị Vân kể chuyện đổi đời nhờ cây cao su - Ảnh 3.

Chị Vân bên những chiếc cúp, bằng khen đạt được bằng chính đóng góp của mình

ẢNH: THÚY LIỄU

Anh Tâm kể: "Việc nhà tôi đều phụ giúp vợ, nấu ăn, chăm con... để vợ có thời gian tập trung rèn luyện. Thành tích của vợ cũng là niềm tự hào của cả gia đình". Sự sẻ chia ấy không chỉ thể hiện tình cảm vợ chồng mà còn là sự thấu hiểu, đồng lòng cùng nhau xây dựng tổ ấm và phát triển sự nghiệp.

Dù biết rằng giá cao su trên thị trường có thể biến động, có lúc thăng lúc trầm, nhưng cả hai vợ chồng đều chung một niềm tin son sắt vào tương lai. Anh Tâm khẳng định: "Giá cao su có lúc lên lúc xuống nhưng tôi vẫn muốn gắn bó lâu dài với công ty và với cây cao su. Mình đã làm là có trách nhiệm, không thể cứ thấy khó là bỏ".

Chị Vân cũng tâm sự với ánh mắt lấp lánh niềm tin: "Bây giờ, tôi chỉ mong có sức khỏe để gắn bó lâu dài với nghề. Làm cao su vừa có thu nhập tốt, vừa là chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Tôi tự hào vì mình là công nhân ngành cao su".

Tại Công ty cổ phần Cao su Mường Nhé Điện Biên, 95% người lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Thái, Hà Nhì. Công ty duy trì mức tiền lương bình quân 6,1 triệu đồng/người/tháng. Toàn bộ người lao động đều được đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hộ lao động được quan tâm với kinh phí hơn 1,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các chế độ hỗ trợ xăng xe, ca trưa và thưởng thi đua cũng rất rõ ràng, giúp người lao động an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với cây cao su.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao