Phần 2 của chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Chọn ngành học tương lai: Khối ngành du lịch-dịch vụ” ngày 18.2, sẽ cung cấp những thông tin về xu hướng ngành nghề, cơ hội việc làm, chương trình đào tạo, điều kiện tuyển sinh lĩnh vực này.
Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên. Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc có thể đặt câu hỏi qua các địa chỉ trên.
Hiện nay, trong danh mục mã ngành đào tạo cấp IV của Bộ GD-ĐT, du lịch-khách sạn-thể thao và dịch vụ cá nhân là một lĩnh vực đào tạo có nhiều mã ngành. Trong quá trình đào tạo, các trường ĐH có nhiều định hướng chuyên ngành khác nhau cho mỗi ngành. Xu hướng ngành nghề đào tạo lĩnh vực này đang ngày càng trở nên đa dạng nhằm đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động.
Tại chương trình tư vấn, đại diện các trường ĐH sẽ thông tin về nội dung đào tạo của các ngành học về du lịch, nhà hàng, khách sạn, thể thao và các ngành dịch vụ khác. Đặc biệt là xu hướng phát triển và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp của các ngành thuộc lĩnh vực này trong thời gian tới.
Cùng với đó, các chuyên gia sẽ chia sẻ về kế hoạch tuyển sinh của các trường trong năm 2025, trong đó có những điểm mới đáng chú ý của khối ngành du lịch-dịch vụ, chẳng hạn như ngành học mới, tổ hợp môn mới, học phí, học bổng...
Ngoài ra, đại diện các trường sẽ đưa ra lời khuyên và tư vấn cụ thể cho những thắc mắc của học sinh. Chẳng hạn để trúng tuyển vào các ngành du lịch-dịch vụ, thí sinh cần lưu ý gì? Các tố chất, năng lực cần thiết để học tốt nhóm ngành du lịch - dịch vụ? Ngành học nào "nóng" nhất, được nhiều doanh nghiệp săn đón nhất trong lĩnh vực này?...

Du lịch sau đại dịch Covid-19 tăng trưởng mạnh mẽ kéo theo nhu cầu nhân lực lớn
ẢNH: MỸ QUYÊN
Tham gia chương trình tư vấn có các khách mời

Các chuyên gia tham dự đợt 2 của chương trình
ảnh: Lê Thanh Hải
- Tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương, Trưởng bộ môn Du lịch, khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Mở TP.HCM;
- Tiến sĩ Trương Thị Hồng Minh, Trưởng khoa Du Lịch-Khách sạn-Nhà hàng Trường ĐH Hoa Sen;
- Thạc sĩ Tăng Thông Nhân, Phó trưởng khoa Du lịch-Nhà hàng-Khách sạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Sự thiếu hụt nhân lực du lịch cả về số lượng và chất lượng
Tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương, Trưởng bộ môn Du lịch, khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Mở TP.HCM, cho hay du lịch là ngành ''công nghiệp không khói'' mang lại nhiều cơ hội việc làm. Mỗi năm cần 40.000 nhân sự nhưng mỗi năm chỉ 20.000 sinh viên ra trường, trong đó tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp, chỉ 43%. Điều đó cho thấy sự thiếu hụt nhân lực du lịch cả về số lượng và chất lượng. Theo tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương, nhân lực ngành du lịch yêu cầu phải 2 ngoại ngữ trở lên, hiện tại đây là yếu tố mà nhân lực du lịch còn thiếu.
Tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương cho hay ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 đã hồi phục mạnh mẽ, dự kiến đến 2030 cần 8,5 triệu việc làm. Đây là cơ hội và thuận lợi lớn cho thí sinh. Mức lương của sinh viên du lịch sau khi ra trường hiện nay là 15-20 triệu đồng. Tuy nhiên ngành nghề này cũng có những khó khăn. Du lịch phụ thuộc vào chính trị, chiến tranh, thời vụ... Chúng ta cần cập nhật các xu hướng du lịch mới, luôn nâng cao năng lực, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường...
Tiến sĩ Trương Thị Hồng Minh, Trưởng khoa Du Lịch-Khách sạn-Nhà hàng Trường ĐH Hoa Sen, cho hay khách hàng trong ngành du lịch - dịch vụ hiện nay mong muốn cá nhân hóa trải nghiệp, mong muốn dịch vụ "đo ni đóng giày", nghĩa là phù hợp sở thích, nhu cầu riêng. Đòi hỏi các chương trình đào tạo phải tích hợp, lồng ghép vào chương trình đào tạo những kỹ năng, công nghệ, môn học để đáp ứng được nhu cầu đó. Hoạt động du lịch hiện có xu hướng chú trọng nhiều hơn về trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ văn hóa theo hướng phát triển bền vững.
Theo thạc sĩ Tăng Thông Nhân, Phó trưởng khoa Du lịch-Nhà hàng-Khách sạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhân lực du lịch đang rất thiếu do tâm lý e ngại sau đại dịch Covid-19. Các tập đoàn khách sạn, công ty du lịch đang tiếp tục mở rộng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương. Thí sinh cần xem xét các chuyên ngành phù hợp với xu hướng dự báo nhân lực trong ngành du lịch.

Tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương, Trưởng bộ môn Du lịch, khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Mở TP.HCM
Các ngành đào tạo liên quan khối ngành du lịch- dịch vụ
Tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương cho hay các phương thức xét tuyển của Trường ĐH Mở chú trọng yếu tố chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Năm nay phương thức tuyển sinh ngoài xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường ưu tiên thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, có kết quả học tập, rèn luyện tốt...
Tiến sĩ Trương Thị Hồng Minh thông tin năm 2025 Trường ĐH Hoa Sen có các ngành khối du lịch-dịch vụ gồm quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, quản trị dịch vụ du lịch lữ hành, quản trị sự kiện, ngoài ra còn có chương trình đào tạo Elite. Trường xét kết quả thi THPT, xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và Hà Nội, xét tuyển thẳng. Trường có học bổng lên đến 60% học phí của học kỳ đầu tiên.
Với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), thạc sĩ Tăng Thông Nhân cho hay có 4 ngành du lịch-dịch vụ: quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống và quản trị sự kiện. Ngoài ra có 2 chương trình đặc thù của Viện Công nghệ Việt - Nhật.
Trường xét học bạ lớp 12, xét điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp môn. Trường không tăng học phí trong suốt khóa học. Học bổng 25% học phí toàn hóa dành cho học sinh đăng ký xét học bổng sớm.

Tiến sĩ Trương Thị Hồng Minh, Trưởng khoa Du Lịch-Khách sạn-Nhà hàng Trường ĐH Hoa Sen
Học sinh gửi thắc mắc đến chương trình: ''Hai chương trình quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống-chương trình Elite tại Trường ĐH Hoa Sen khác nhau như thế nào về tuyển sinh đầu vào, quá trình đào tạo và cơ hội việc làm sau khi ra trường?''.
Tiến sĩ Trương Thị Hồng Minh giải đáp: ''Việc tuyển sinh đầu vào giống các ngành khác, tuy nhiên chương trình Elite sẽ có buổi phỏng vấn trực tiếp liên quan đến tiếng Anh và mong muốn, lý do lựa chọn ngành học này. Hai ngành quản trị nhà hàng và quản trị khách sạn chương trình chính quy sẽ học 4 năm, trong đó có 50% học tiếng Anh, có học kỳ doanh nghiệp và thực tập tại doanh nghiệp. Còn chương trình Elite có 2 năm học tại trường, 1,5 năm sau đó được thực học thực làm tại doanh nghiệp. Thời gian này các em có thể chọn học tại Việt Nam hay các đối tác tại Mỹ, Thuỵ Sĩ hoặc New Zealand''.
Tham gia chương trình, học sinh gửi câu hỏi: ''Ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đào tạo những gì, có khác so với ngành du lịch không? Em muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch quốc tế thì học ngành này có phù hợp không, mức độ cạnh tranh trong xét tuyển?''.
Thạc sĩ Tăng Thông Nhân giải đáp: Theo định hướng đào tạo năm 2025, bên cạnh học phần kiến thức kỹ năng cơ bản, các em được tích hợp thêm học phần liên quan đến AI để có thể làm được việc trong môi trường toàn cầu. Ngoài ra tích hợp các học phần theo xu hướng du lịch bền vững, du lịch tái tạo...
Trường thường xuyên có các chương trình giao lưu văn hóa Âu, Á để giúp sinh viên trải nghiệm, tương tác. Có một số học kỳ sinh viên có thể chọn học ở nước ngoài, có học kỳ doanh nghiệp...
Hiện nay Hutech ưu tiên học sinh có năng lực học tập tốt để cấp học bổng.

Thạc sĩ Tăng Thông Nhân, Phó trưởng khoa Du lịch-Nhà hàng-Khách sạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Những yếu tố cần thiết khi theo học ngành du lịch- dịch vụ
Theo tiến sĩ Trương Thị Hồng Minh, môi trường du lịch năng động, sáng tạo, có nhiều sự thay đổi, có yếu tố bất ngờ nên tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên sau khi ra trường phát triển kỹ năng mềm. ''Ngành này cũng có áp lực riêng và tính cạnh tranh cao. Muốn theo đuổi các em phải có đam mê'', tiến sĩ Minh nhấn mạnh.
Theo thạc sĩ Tăng Thông Nhân, làm việc trong ngành du lịch phải xử lý nhiều tình huống phát sinh. Tuy nhiên hiện nay công nghệ phát triển đã hỗ trợ nhiều trong các thủ tục. Kèm theo đó các bạn phải thường xuyên cập nhật công nghệ, kỹ năng ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, còn có các thách thức về biến đổi khí hậu, biến đổi địa chính trị... Vì vậy, sinh viên phải không ngừng vận động, thích ứng với thay đổi, có ngoại ngữ, khả năng giao tiếp liên văn hoá...