Điều kiện thực hiện thi tốt nghiệp THPT trên máy tính từ năm 2027

Đây là một tín hiệu mạnh mẽ về quyết tâm đổi mới, song cũng đặt ra nhiều thách thức khi thời gian chuẩn bị không còn nhiều.

Điều kiện thực hiện thi tốt nghiệp THPT trên máy tính từ năm 2027  - Ảnh 1.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2025 của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trên máy tính

ẢNH: HÀ ÁNH

Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Singapore, Hàn Quốc đã áp dụng thi trên máy từ lâu, không chỉ trong các kỳ thi quốc gia mà còn ở bài kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuẩn hóa đầu ra. Ví dụ, kỳ thi SAT của Mỹ đã chuyển hoàn toàn sang thi kỹ thuật số từ năm 2023. Singapore tổ chức thi O-Level và A-Level với nhiều môn thi trực tuyến có giám sát. Hàn Quốc cũng đầu tư mạnh mẽ cho các trung tâm thi máy tính đạt chuẩn quốc gia.

Điểm chung của các nước này là chuẩn bị bài bản, có lộ trình dài hạn; đầu tư hạ tầng công nghệ và an toàn mạng; xây dựng kho đề thi chuẩn hóa và ngân hàng câu hỏi điện tử; đào tạo giáo viên, kỹ thuật viên và cung cấp hướng dẫn cho thí sinh.

VN có thể học hỏi nhiều điều, nhưng không thể sao chép máy móc. Cần điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc biệt là khoảng cách số giữa các vùng miền. Thay vì triển khai ồ ạt, cần thí điểm ở các địa phương sẵn sàng, rồi nhân rộng trên cơ sở đánh giá nghiêm túc.

Việc tổ chức thi trên máy tính không phải điều mới mẻ trên thế giới. Nhiều quốc gia phát triển đã triển khai từ nhiều năm qua và thu được kết quả tích cực nhờ tiết kiệm chi phí, đảm bảo minh bạch, giảm gian lận và phản ánh tốt hơn năng lực học sinh (HS). Tại VN, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn còn chủ yếu dựa trên hình thức thi giấy, vốn tốn kém và thiếu linh hoạt trong điều kiện dịch chuyển số.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thi trên máy tính từ năm 2027 cho thấy tầm nhìn dài hạn và quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục. Bộ GD-ĐT hiện đang xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó sẽ lựa chọn một số địa phương có điều kiện cơ sở vật chất tốt để làm thí điểm, từ đó mở rộng dần quy mô. Điều quan trọng nhất là việc chuyển đổi này không thể thực hiện trong ngày một ngày hai mà cần sự đồng thuận, đầu tư và chuẩn bị nghiêm túc từ nhiều phía.

LÝ DO CẦN THỰC HIỆN THI TỐT NGHIỆP THPT TRÊN MÁY TÍNH

Có ít nhất 3 lý do khiến thi tốt nghiệp THPT trên máy tính là hướng đi cần thiết.

Thứ nhất, thi trên máy giúp tổ chức linh hoạt theo nhiều đợt, thay vì dồn vào thời điểm duy nhất. Điều này phù hợp với các mục tiêu phân hóa học sinh và tiến tới công nhận kết quả nhiều lần trong năm như một số quốc gia đang làm.

Thứ hai, thi trên máy giúp rút ngắn quy trình chấm thi, công bố điểm nhanh và giảm tối đa sai sót do yếu tố con người.

Thứ ba, định dạng bài thi trên máy có thể được thiết kế đa dạng hơn, từ trắc nghiệm khách quan đến các dạng bài tương tác, từ đó đánh giá chính xác hơn năng lực thật sự của người học.

Cuối cùng, thi trên máy là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái giáo dục số mà VN đang từng bước xây dựng, từ học liệu số, lớp học thông minh, phần mềm quản lý cho đến đánh giá năng lực trực tuyến.

Với những lợi ích thiết thực và yêu cầu của Chính phủ, Bộ GD-ĐT cũng tích cực triển khai. Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, theo lộ trình, Bộ sẽ ban hành Đề án thí điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính trong năm nay. Việc tổ chức thi theo hình thức này dự kiến bắt đầu từ năm 2027 tại các địa phương đủ điều kiện.

NHỮNG THÁCH THỨC CẦN VƯỢT QUA

Dù có nhiều lợi ích, nhưng chuyển đổi sang hình thức thi trên máy tính không hề đơn giản. Vấn đề đầu tiên là hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay, nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, chưa đủ máy tính, đường truyền mạng yếu, cơ sở vật chất thiếu thốn. Nếu không có sự đầu tư mạnh mẽ, thi trên máy sẽ tạo ra bất bình đẳng mới trong giáo dục.

Yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Giáo viên, cán bộ quản lý, HS và phụ huynh cần được tập huấn, làm quen với phương thức mới. Tâm lý e ngại cái mới, sợ rủi ro kỹ thuật hay lo mất công bằng là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, cần có lộ trình từng bước và truyền thông tích cực để tạo sự đồng thuận.

Để thực hiện thi trên máy tính, hệ thống pháp lý và hành lang tổ chức cần được hoàn thiện. Thi trên máy kéo theo hàng loạt thay đổi về quy chế, quy trình giám sát, phương thức bảo mật đề thi - bài làm, chống gian lận công nghệ cao. Những điều này cần được tính toán kỹ lưỡng và ban hành sớm để kịp thử nghiệm.

Thi trên máy không chỉ là thay đổi hình thức thi, mà là thay đổi cả tư duy trong cách dạy - học. HS sẽ không thể chỉ học vẹt, học tủ để làm bài trắc nghiệm giấy nữa, mà cần phát triển kỹ năng tư duy logic, đọc hiểu, phân tích, xử lý thông tin. Phụ huynh cũng yên tâm, tin tưởng vào sự đổi mới của ngành và động viên con em học tập và thi.

Giáo viên cũng cần thay đổi cách soạn bài, kiểm tra và đánh giá thường xuyên theo hướng số hóa.

Điều kiện thực hiện thi tốt nghiệp THPT trên máy tính từ năm 2027  - Ảnh 2.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2025. Bộ GD-ĐT chuẩn bị các điều kiện để thí điểm tổ chức kỳ thi này trên máy tính từ năm 2027

ảnh: Ngọc Dương

KHÔNG CHỜ ĐỦ ĐIỀU KIỆN, CÓ THỂ THỰC HIỆN TỪNG BƯỚC

Chuyển đổi số trong thi cử là một phần trong quá trình chuyển đổi số toàn diện của ngành giáo dục. Do đó, không thể đợi đến khi đủ mọi điều kiện mới bắt đầu mà cần làm từng bước, làm có trọng điểm và đánh giá liên tục.

Trước hết, cần khảo sát toàn diện điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin của các trường phổ thông trên cả nước để phân loại mức độ sẵn sàng. Từ đó, chọn ra các địa phương, cụm trường có khả năng làm thí điểm ngay từ năm 2026.

Kế đó, cần xây dựng ngân hàng đề thi điện tử theo chuẩn hóa, bảo mật cao, đồng thời huấn luyện đội ngũ ra đề, chấm thi trên hệ thống số. Đây là khâu then chốt đảm bảo kỳ thi có chất lượng.

Cần thiết kế các bài kiểm tra định kỳ trên máy tính ngay trong quá trình học để HS làm quen. Việc này có thể bắt đầu từ lớp 10, lớp 11, giúp giảm áp lực bất ngờ khi thi thật.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần ban hành quy chế thi trực tuyến, trong đó quy định rõ quy trình tổ chức, xử lý sự cố kỹ thuật, đảm bảo công bằng, minh bạch và an toàn dữ liệu. Quy chế cần được xây dựng sớm và lấy ý kiến rộng rãi.

Cuối cùng, cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để có nguồn lực đầu tư đồng bộ: từ trang thiết bị máy tính, mạng internet, xây dựng hệ thống phần mềm theo đúng quy chế và đảm bảo an toàn, bảo mật sử dụng thuận lợi, cho đến đào tạo giáo viên và kỹ thuật.

Nhiều người lo rằng thi trên máy tính sẽ khiến kỳ thi trở nên quá "công nghệ", mất đi tính nhân văn. Tuy nhiên, cần hiểu rằng công nghệ chỉ là công cụ. Cái đích cuối cùng của thi cử vẫn là đánh giá đúng năng lực người học, hướng tới sự công bằng, minh bạch và tiết kiệm nguồn lực xã hội. Nếu thi trên máy giúp đạt mục tiêu đó tốt hơn, thì không nên trì hoãn.

Vấn đề là cách chúng ta tiếp cận, không chạy theo phong trào, không cực đoan phủ nhận hình thức thi truyền thống, mà cần kết hợp linh hoạt. Có thể trong giai đoạn đầu, một số môn vẫn thi giấy, một số môn thử nghiệm trên máy. Sau một vài năm, khi mọi điều kiện chín muồi mới tiến đến triển khai toàn diện.

Thi tốt nghiệp THPT trên máy tính là một xu thế tất yếu. Chỉ đạo của Thủ tướng là lời nhắc nhở rõ ràng rằng, ngành giáo dục không thể đứng ngoài cuộc cách mạng số. Nhưng từ ý tưởng đến thực tiễn là một chặng đường dài và đầy thách thức. Nếu không bắt đầu từ hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục tụt hậu so với thế giới.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao