Lấn biển xây khu thương mại tự do ở vịnh Đà Nẵng là phù hợp

Lấn biển xây khu thương mại tự do ở vịnh Đà Nẵng là phù hợp- Ảnh 1.

TS Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Nghiên cứu lấn biển tạo đủ dư địa phát triển

* Mới đây, khảo sát khu vực dự kiến lấn biển làm khu thương mại tự do (TMTD), Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý chủ trương cần lấn biển để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển cho Đà Nẵng. Theo ông, chủ trương này sẽ giúp giải quyết vấn đề gì và mang lại lợi ích như thế nào cho thành phố sông Hàn?

- TS Dư Văn Toán: Hướng tới tầm nhìn 2045 trở thành trung tâm công nghệ cao, kinh tế biển và chuỗi cung ứng logistics trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng rất cần mở rộng không gian phát triển, đặc biệt là quỹ đất. Chính vì quỹ đất hạn chế, Đà Nẵng phải xây dựng khu TMTD phân tán với 10 vị trí dự kiến xây dựng thành các khu chức năng khác nhau. Trong khi đó, nhiều nước đã dành 1 diện tích rộng lớn hoặc lấn biển chỉ để phát triển các khu TMTD.

Chủ trương lấn biển để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển cho Đà Nẵng là hướng đi tất yếu, sẽ góp phần giúp Đà Nẵng đa dạng hóa nền kinh tế, phấn đấu đạt được mục tiêu quy hoạch đề ra. Mặt khác, theo Nghị quyết 169 được Chính phủ ban hành, Đà Nẵng sẽ phát triển thành một đô thị biển quốc tế và trung tâm tài chính quy mô khu vực. Nghị quyết này cũng nhấn mạnh việc phát triển Đà Nẵng theo các tiêu chuẩn đô thị hiện đại, gắn kết với các lĩnh vực kinh tế biển, công nghệ thông tin, giáo dục và y tế chất lượng cao.

Để đạt được tầm nhìn này, Đà Nẵng tập trung vào quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình đa cực, hình thành các khu chức năng rõ ràng và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Muốn vậy cần mở rộng không gian phát triển, nhằm phát huy tiềm năng sẵn có về kinh tế biển.

* Ông đánh giá ra sao về vị trí và đặc điểm của vịnh Đà Nẵng, nơi đang được chọn để lấn biển xây khu TMTD. Đây cũng là nơi đang được đầu tư cảng Liên Chiểu, một trong 3 cảng nước sâu có vai trò, vị trí đặc biệt của nước ta?

- Theo vị trí địa lý, khu Liên Chiểu nằm ở phía tây bắc vịnh Đà Nẵng, tiệm cận với đường quốc lộ 1. Phía bắc là đèo Hải Vân thuộc dãy núi Hải Vân và cũng còn khá hoang sơ. Tuy nhiên, diện tích mặt bằng ở đây tương đối nhỏ, chỉ có vài trăm ha, trong khi không gian yêu cầu cho khu vực cảng biển kết hợp với khu TMTD là rất lớn. Thông thường, có thể đến hàng trăm, hàng nghìn công ty sẽ đến để sản xuất, chế biến, cung ứng các dịch vụ logistics.

Với khu vực cảng, địa thế ở đây là có luồng biển vào tương đối sâu, đâu đó từ 9 - 12m nên tàu bé, lớn có thể ra vào, vận chuyển hàng hóa. Chỉ có điều nơi tập kết hàng hóa hiện tại còn tương đối nhỏ. Để phát triển thành khu đón chờ đến hàng trăm, hàng nghìn nhà đầu tư vào, cần phải bổ sung diện tích. Về dư địa thì khu vực ven bờ, gần cảng Liên Chiểu vẫn còn khá nhiều diện tích có thể lấn biển.

Lấn biển xây khu thương mại tự do ở vịnh Đà Nẵng là phù hợp- Ảnh 2.

Một góc Vịnh Đà Nẵng - vị trí đang được nghiên cứu lấn biển

ẢNH: KIM LIÊN

Cũng cần phải có những nghiên cứu đánh giá đầy đủ hơn, xem các diện tích cần lấn biển ở khu vực phía tây và phía đông cảng Liên Chiểu là bao nhiêu cho phù hợp để không ảnh hưởng đến giao thông, đặc biệt là cảnh quan của khu vực Liên Chiểu.

Khu vực dự kiến lấn biển tại vịnh Đà Nẵng không nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên, không có nhiều sinh vật, hệ thảm cỏ biển quan trọng. Tương lai, vẻ đẹp của nơi này không chỉ dựa trên các điều kiện thiên nhiên sẵn có mà chúng ta có thể phối kết hợp với các cảnh quan nhân tạo, đảo nhân tạo, rồi khu TMTD mới. Từ đó, có thể tạo dựng nên một vịnh Đà Nẵng hoàn toàn mới về không gian, có sự cuốn hút của các công trình biển mới.

* Dù chủ trương đã có nhưng để thực hiện lấn biển, ông có cho rằng Đà Nẵng cần nghiên cứu để làm bài bản, quy mô, đa chức năng vì định hướng phát triển của Đà Nẵng là phải trở thành thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế, trung tâm tài chính, trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng tầm vóc quốc tế?

- Về mặt khách quan thì vịnh Đà Nẵng có diện tích tương đối lớn khoảng hơn 110 km2 (11.000 ha) thì nếu dành trên dưới 10 km2 (1.000 ha) cho các không gian mà chúng ta gọi là lấn biển để phục vụ các hoạt động dịch vụ, thương mại và tài chính thì hoàn toàn khả thi, chưa đến 10% nên không có vấn đề quá lớn. Điển hình một số vịnh của Trung Quốc đã lấn biển đến 30% để tạo dư địa cho các hoạt động kinh tế và thương mại. Đặc biệt, những lợi thế về cảng biển ở khu vực vịnh Đà Nẵng không nhiều nơi có được. Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ hơn, xem diện tích cần phải lấn biển để đủ dư địa phát triển không chỉ cho thành phố mà cho cả một khu vực, và để phù hợp với khu TMTD cũng như các định hướng phát triển kinh tế.

Với quan điểm cá nhân nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và vị thế của các vịnh biển, tôi thấy rằng vịnh Đà Nẵng hoàn toàn có thể cho phép lấn biển để mở rộng không gian dành riêng cho hoạt động thương mại, dịch vụ tài chính, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch xanh… Đặc biệt, nếu có thể có những tòa nhà, trung tâm thương mại kết hợp bến du thuyền hạng sang trên đảo nhân tạo cao cấp cũng là sự khác biệt.

Đối với các thành phố ven biển, kinh nghiệm quốc tế cho thấy rất nhiều các điểm đến châu Á nổi tiếng như là Sindalah (Ả Rập Xê Út), Dubai (UAE), Singapore, Osaka (Nhật Bản) hay các thành phố của Trung Quốc, Qatar, cũng đều có hoặc đang xây dựng những khu dịch vụ thương mại kết hợp trung tâm tài chính, khu nghỉ dưỡng kết hợp casino…

Lấn biển xây khu thương mại tự do ở vịnh Đà Nẵng là phù hợp- Ảnh 3.

Đảo nhân tạo cao cấp Sindalah (Ả Rập Xê Út) rộng 83 ha, có khách sạn, nhà hàng, sân golf, bến du thuyền

ẢNH: NEOM

Kích hoạt sức sống mới, giá trị mới cho vịnh Đà Nẵng

* Cùng với những định hướng trên, theo ông, chính quyền, nhà đầu tư, cộng đồng cần làm gì để đưa dự án lấn biển sớm về đích, thành công, tạo hiệu quả trong thực tiễn?

- Đà Nẵng cho đến nay đã là thành phố phát triển bền vững hay còn gọi là thành phố môi trường của khu vực ASEAN. Như vậy, để rộng đường dư luận, chúng ta cần có những nghiên cứu và tư vấn đánh giá về các phương án thiết kế tổng thể cho vịnh Đà Nẵng. Từ các cụm đảo nhân tạo mới đến những khu lấn biển phục vụ phát triển kinh tế, cũng cần kêu gọi những ý tưởng mới, ý tưởng xanh để phát triển.

Chúng ta phải nghiên cứu các kịch bản phát triển cho vịnh này. Các khu vực lấn biển gần bờ, trong đó có khu TMTD gắn với cảng Liên Chiểu cần có tham vấn các ý kiến chuyên gia quốc tế. Việt Nam, tham vấn các nhà đầu tư để thiết kế trên cơ sở dựa vào phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Cùng với đó là định hướng các ngành nghề phát triển ở những khu đất mới. Đà Nẵng đã là thành phố môi trường rồi nên việc định hướng ngay từ đầu các dịch vụ, công trình xanh có lẽ rất phù hợp. Đây cũng là cơ hội để phát triển ngành kinh tế xanh như du lịch hay các dịch vụ sản xuất xanh, tài chính xanh. Người dân sẽ ủng hộ bởi được tạo thêm công ăn việc làm, cơ hội kinh doanh phục vụ các lực lượng chuyên gia, lao động trình độ cao đến với Đà Nẵng làm việc tại khu TMTD, hay các đảo nhân tạo đa chức năng.

Đà Nẵng hiện tại đang có một vịnh biển đẹp về thiên nhiên. Tuy nhiên, với vị vị trí chiến lược, nếu chúng ta biết kết hợp về kiến trúc, các cảnh quan mới, công trình biểu tượng sẽ tạo nên sức sống mới, giá trị mới cho vịnh Đà Nẵng.

* Việc lựa chọn công nghệ lấn biển để hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, giúp Đà Nẵng hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển, theo ông, thành phố cần cân nhắc điều gì?

- Các hoạt động lấn biển nói chung có lịch sử phát triển tương đối lâu dài, đến cả hàng trăm năm, do vậy đã có nền tảng vững chắc. Gần đây, việc lấn biển ở Việt Nam hay ở những nước khác cũng đều có sự quan tâm đến môi trường, nhờ vào ứng dụng những công nghệ lấn biển không gây phát thải mới và không làm suy giảm đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển cho các vùng biển lân cận xung quanh.

Tất cả các hoạt động này đều bình thường và với công nghệ mới, các công ty cung ứng dịch vụ kỹ thuật về san lấp lấn biển hoàn toàn đáp ứng được.

Ngoài ra, nếu định hướng phát triển xanh không chỉ áp dụng cho các khu công nghiệp mà cả tàu bè, phương tiện phục vụ cho khu cảng biển Liên Chiểu, hoạt động này sẽ giúp cho vấn đề bảo vệ môi trường và sinh thái của khu vực vịnh Đà Nẵng trở nên tốt hơn. Đây là cơ hội lớn cho Đà Nẵng, và cũng là cơ hội để Việt Nam lần đầu tiên có mô hình khu TMTD gắn với khu lấn biển đa chức năng, hiện đại, đẳng cấp. Từ đó, các vùng biển ven bờ khác có thể học tập để tiến tới có thêm một số khu TMTD quy mô tương tự, đón đầu kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao