Khám phá Hà Nội qua góc nhìn của du khách Nhật Bản

Bây giờ là 6 giờ sáng của một buổi sáng lạnh lẽo tháng 12, nhưng Hà Nội đã sống động và nhộn nhịp. Những phụ nữ bán chở hoa trên xe đạp để bán, hoa cúc và nhiều loại hoa bản địa đầy màu sắc. Các cô các bà lớn tuổi khác nhảy theo điệu nhạc sôi động, rộn ràng quanh hồ Hoàn Kiếm, một trong những hồ nước ngọt tự nhiên của thành phố. Gần đó, nhóm nhân viên văn phòng mặc vest ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhựa vỉa hè, trò chuyện bên những bát phở bốc khói nghi ngút...

Thủ đô của Việt Nam đã có nhiều thay đổi kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975. Thành phố hiện tràn ngập các quán cà phê đặc sản, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng và xưởng thủ công. Mỗi năm, Hà Nội đón hơn 4 triệu du khách nước ngoài, phần lớn trong số họ ngủ lại trên 36 con phố đông đúc ở phố cổ sôi động của thành phố.

Hà Nội trong mắt du khách Nhật Bản - Ảnh 1.

Phố cổ Hà Nội là trung tâm lịch sử và văn hóa sôi động và là điểm đến phổ biến cho khách du lịch

ẢNH: Zinara Rathnayake

Nhiều cửa hàng ở đây từng sản xuất hàng hóa cho các vị vua của Việt Nam, những người cuối cùng đã thoái vị vào năm 1945. Trên phố Hàng Bạc, thợ kim hoàn vẫn chế tác đồ trang sức chạm khắc, trong khi phố Hàng Mã nổi tiếng với đồ cúng và văn phòng phẩm. Con phố này cũng trở thành xứ sở thần tiên vào mỗi dịp Giáng sinh với các cửa hàng trưng bày đồ trang trí lễ hội màu trắng và đỏ.

Đây là nơi tôi gặp hướng dẫn viên Hoan Nguyễn, người háo hức muốn giới thiệu những địa điểm ẩm thực tuyệt vời nhất của thành phố. Trong vài giờ tiếp theo, Hoan dẫn tôi đi qua các con hẻm của phố cổ khi chúng tôi di chuyển quanh những luồn xe máy. Hà Nội đang thực hiện các nỗ lực để hạn chế phương tiện phổ biến này, một phần là để chống lại tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng. Nhưng thành phố vẫn còn 7 triệu xe máy.

Ẩm thực đường phố ở phố cổ

"Ở Hà Nội, bạn sẽ cảm nhận được văn hóa địa phương mạnh mẽ", Hoan nói. Cô ấy cho rằng, hầu hết mọi người đều ăn ngoài vào buổi sáng và vào những quầy hàng nhỏ vào giờ ăn trưa, vì vậy có rất nhiều nơi để thưởng thức món ngon ở thủ đô.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là quán nhỏ của gia đình bán bánh xèo. Đây là món ăn phổ biến ở miền Nam, bánh xèo được gói trong bánh tráng với xà lách và rau mùi, chấm trong nước chấm ngọt cay. Giống như nhiều nơi khác ở châu Á, gạo là cơ sở của ẩm thực Việt Nam, thường kết hợp các thành phần như nước mắm và các loại rau tươi. Bữa ăn cân bằng giữa các hương vị ngọt, mặn, đắng, chua và cay.

Hà Nội trong mắt du khách Nhật Bản - Ảnh 2.

Món bánh xèo giòn phủ giá đỗ và thịt. Hướng dẫn viên Hoan Nguyễn điều hành tour ẩm thực đường phố giới thiệu cho du khách những món ăn địa phương được ưa chuộng

ẢNH: Zinara Rathnayake

Khi chúng tôi đi trên những con hẻm nhỏ, qua hàng chục quầy hàng thực phẩm nhỏ, Hoan nói rằng các món ăn phức tạp như phở hiếm khi được chế biến tại nhà vì cần nhiều nguyên liệu và mất nhiều thời gian cũng như công sức để chế biến. Trong khi ẩm thực Việt Nam có nhiều lớp, với nhiều món bún gạo, nước dùng và thịt đến từ nhiều vùng miền khác nhau, Hoan nói với tôi rằng nhiều du khách chỉ giới hạn bản thân ở bánh mì hoặc phở. "Đó là một trong những lý do tôi bắt đầu thực hiện tour ăn uống này", cô nói, "để giới thiệu cho du khách về ẩm thực Việt Nam".

Chúng tôi dừng lại để thưởng thức chả cá lăng, một món ngon của Hà Nội bao gồm cá ướp với nghệ và riềng, nướng trên than. Tôi quan sát Hoan xào cá nướng với hành lá và thì là trong chảo dầu trên bếp. Chúng tôi kết hợp cá và rau thơm với bún gạo mềm, đậu phộng và nước xốt tôm cay nồng thơm ngon.

Quán bên cạnh bán bún chả, một món ăn Hà Nội được cho là có nguồn gốc từ phố cổ, kết hợp giữa thịt lợn nướng trong nước chấm chua ngọt với bún gạo và rau thơm. Bún chả đã trở nên phổ biến với khách du lịch phương Tây kể từ khi cựu Tổng thống Barack Obama và đầu bếp người Mỹ Anthony Bourdain dùng bữa tại bún chả Hương Liên, một nhà hàng Hà Nội chuyên về món ăn này, vào năm 2016. Bún chả Hương Liên hiện tự hào có những bức ảnh của ông Obama và Bourdain (người đã mất năm 2018) trên tường và được nhắc đến trong sách hướng dẫn Michelin về Hà Nội.

Hà Nội trong mắt du khách Nhật Bản - Ảnh 3.

Các quầy hàng trái cây và rau quả nằm bên đường ở phố cổ

ẢNH: Zinara Rathnayake

Tuy nhiên, Hoan cho biết đồ ăn ngon nhất ở thủ đô đến từ những quán ăn nhỏ ven đường. "Hầu hết người dân địa phương chỉ đến các nhà hàng ngồi vào cuối tuần để dùng bữa tối gia đình, hẹn hò hoặc tổ chức tiệc tùng đặc biệt", cô nói khi chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế nhựa nhỏ để nếm thử bánh khúc - bánh cuốn hấp bằng gạo nếp gói trong lá chuối với rau muống, thịt lợn và đậu xanh. "Nó gợi nhớ, đưa tôi trở về quê nhà mỗi khi tôi ăn món này", cô nói.

Văn hóa cà phê

Cà phê chảy trong máu người Việt Nam. Nhưng nó không phải là một phần của cuộc sống địa phương cho đến khi người Pháp du nhập vào năm 1857. Cây cà phê Robusta, có hàm lượng caffeine cao, phát triển mạnh ở vùng cao nguyên trung tâm của đất nước, và khi đất nước mở cửa cho thương mại quốc tế vào năm 1987, cà phê đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và chiếm hơn 40% lượng hạt cà phê Robusta của thế giới. Số liệu của Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cà phê hàng năm của Việt Nam đã vượt mốc 5 tỉ USD lần đầu tiên trong năm tính đến tháng 9 năm 2024.

Tại Hà Nội, cà phê có mặt ở khắp mọi nơi, được phục vụ tại các quầy hàng ven đường và các cơ sở "làn sóng thứ ba" tập trung vào các loại hạt cà phê có nguồn gốc đơn lẻ. Theo truyền thống, hạt cà phê được rang sẫm màu và cà phê được pha chậm bằng phin. Khi sữa tươi khan hiếm và đắt đỏ dưới thời Pháp thuộc, sữa đặc trở thành lựa chọn thay thế khả thi một phần vì nó để được lâu hơn trong khí hậu nóng ẩm.

Hà Nội trong mắt du khách Nhật Bản - Ảnh 4.

Một quán nước ở phố cổ Hà Nội

ẢNH: Zinara Rathnayake

Cà phê trứng là món nhất định phải thử, Hoan nói khi chúng tôi đi qua một con hẻm hẹp đông đúc để vào Cafe Giảng, một địa điểm huyền thoại mà nhiều du khách đến Hà Nội phải tới. Ở đây, lòng đỏ trứng được đánh với đường và sữa đặc để có kết cấu sánh mịn và pha với cà phê đen. Có những biến thể khác, bao gồm cà phê muối, được làm bằng kem muối và cà phê dừa, được làm bằng nước cốt dừa. Nhiều quán cà phê khác phục vụ các loại đồ uống đặc sản, bao gồm cả quán rang xay Ta Ca Phe, nơi sử dụng 6 loại hỗn hợp khác nhau và cung cấp các loại đồ uống độc đáo như cà phê sữa chua.

Lịch sử và văn hóa Hà Nội

Trong khi người dân Hà Nội đã vượt qua những ngày đen tối của chiến tranh, quá khứ đầy biến động của Việt Nam vẫn còn hiện hữu ở những nơi như Bảo tàng Nhà tù Hỏa Lò...

Hà Nội trong mắt du khách Nhật Bản - Ảnh 5.

Du khách dễ dàng nhận thấy những xe chở hoa ở đường phố Hà Nội

ẢNH: Zinara Rathnayake

Năm 1985, Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với 75% dân số sống trong cảnh nghèo đói, theo Ngân hàng Thế giới. Ngày nay, đây là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Khi kết thúc chuyến tham quan, chúng tôi ghé thăm một trong hai phố đường tàu của Hà Nội - những con đường hẹp với đường ray đơn, nơi tàu hỏa chạy qua chỉ cách các cửa hàng và người đi bộ vài cm. Khu vực này đã bị hư hại trong chiến tranh, vào tháng 12 năm 1972, với nhiều ngôi nhà bị san phẳng bởi bom đạn xung quanh phố Khâm Thiên, một khu mua sắm đông đúc của ngày nay...

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao