Du lịch bứt tốc ngay từ đầu năm

Khởi sắc ngay từ đầu năm

Trong những ngày cả nước tưng bừng đón năm mới, ngành du lịch trên khắp cả nước cũng tất bật đón những đoàn khách quốc tế ồ ạt tới VN chơi tết.

Ngay sáng mùng 1 Tết Ất Tỵ (29.1), tàu du lịch biển Celebrity Solstice cùng hơn 3.000 du khách quốc tế từ khắp nơi trên thế giới đã "xông đất" cảng Chân Mây. Trong tour này, Công ty lữ hành Saigontourist đã thiết kế các hành trình độc đáo, đưa du khách đi qua Huế cổ kính, Đà Nẵng năng động, Hội An huyền ảo, tận hưởng không khí Tết Việt giữa những sắc màu di sản và nhịp sống rộn ràng. Cùng ngày, Hạ Long cũng đón du thuyền Silver Dawn với 500 du khách quốc tế tới chào năm mới.

Không chỉ khách tàu biển, khách quốc tế đến VN đầu năm mới bằng đường hàng không cũng đã "hâm nóng" rất nhiều thủ phủ du lịch. Ấn tượng nhất phải kể đến Phú Quốc. Đảo ngọc đã đạt kỷ lục đón 38 - 40 chuyến bay quốc tế mỗi ngày. Đây là con số lần đầu tiên thấy của Phú Quốc kể từ khi mở đường bay nước ngoài đến nay.

Du lịch bứt tốc ngay từ đầu năm- Ảnh 1.

Khách quốc tế đến Hạ Long trong ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025

ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU

Theo Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, ngày đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 25.1 (26 tháng chạp), Phú Quốc đón 54 chuyến bay, trong đó 38 chuyến bay quốc tế, chiếm 70%. Ngày 27.1 (28 tháng chạp), số chuyến bay quốc tế tiếp tục vượt đỉnh, đạt 40 chuyến. Số lượng chuyến bay từ Đài Loan đứng đầu với 10 chuyến, vượt qua thị trường vốn đứng đầu là Hàn Quốc (9 chuyến). Còn lại là các chuyến bay từ Trung Quốc đại lục, Kazakhstan, Ba Lan, Mông Cổ, Malaysia, Thái Lan, Singapore. Theo Sở Du lịch Kiên Giang, lượng khách quốc tế tăng cao đã giúp tổng thu du lịch tại địa phương dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh, ước đạt khoảng 1.886,3 tỉ đồng, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Báo cáo tình hình phục vụ khách du lịch dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của Cục Du lịch quốc gia VN (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) vừa công bố, dịp tết năm nay (từ ngày 25.1 - 2.2) nhiều địa phương ghi nhận lượng khách quốc tế đến tăng cao. Đứng đầu cả nước là Quảng Ninh, ước đón 228.700 lượt khách quốc tế trong dịp Tết Nguyên đán. Thứ hai là Đà Nẵng với hơn 228.000 lượt khách, tăng 29% so với dịp tết năm 2024. Tiếp đến là Quảng Nam - tuy số lượng tuyệt đối ước đạt 157.000 lượt khách, thấp hơn Quảng Ninh và Đà Nẵng, song lại đạt tỷ lệ tăng trưởng cao nhất, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2024. Hà Nội ghi nhận tăng trưởng khách tới ăn tết cao hơn năm trước, trong đó khách du lịch quốc tế tăng 15,8%. Với nhiều sản phẩm mới lạ, đa dạng, ngành du lịch TP.HCM cũng thắng lớn với tổng doanh thu ước đạt gần 7.700 tỉ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Du lịch bứt tốc ngay từ đầu năm- Ảnh 2.

Du khách quốc tế tham quan Bưu điện TP.HCM những ngày đầu năm mới

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Động lực mới, sức bật mới

Năm 2025, ngành du lịch đặt mục tiêu đón và phục vụ 22 - 23 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 120 - 130 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trực tiếp 6 - 8% vào GDP.

Trả lời Thanh Niên, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia VN Nguyễn Trùng Khánh xác định đây là mục tiêu mang nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh kinh tế, địa chính trị quốc tế cũng như trong nước hiện nay. Tuy nhiên, ông tin tưởng du lịch VN đang có nhiều lợi thế và cơ hội để tạo ra một cuộc bứt tốc mạnh mẽ trong năm 2025.

Cụ thể, sau hơn 2 năm VN mở cửa hoạt động du lịch trở lại, lượng khách quốc tế đến đã phục hồi tích cực. Năm 2024, VN đã đón gần 18 triệu lượt khách quốc tế, trở lại dấu mốc vàng son năm 2019. Sở dĩ có được kết quả này là nhờ sự quan tâm của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng trong việc đưa ra các định hướng, quyết sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho du lịch; các giải pháp đồng bộ của ngành VH-TT-DL cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là sự nỗ lực của hệ thống doanh nghiệp (DN) du lịch, cộng đồng du lịch trong việc thúc đẩy toàn ngành. Nổi bật nhất là các chính sách về thị thực, xuất nhập cảnh; sự đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động quảng bá du lịch VN tại nhiều thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng đã tác động rất mạnh đến việc thu hút khách quốc tế đến VN sau đại dịch.

"Với tốc độ tăng trưởng của du lịch thời gian qua cùng những ghi nhận của quốc tế, những chuyển động mạnh mẽ từ nội tại, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào sức bật của du lịch VN thời gian tới. Có thể coi đây là bước ngoặt. Du lịch VN đã sẵn sàng tâm thế bước vào thời kỳ phát triển mới với động lực mới, sức bật mới", ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Chọn 2025 là năm khởi đầu một hành trình mới, dồn toàn lực cho lĩnh vực du lịch, Vietravel Corporation đã bắt đầu triển khai kế hoạch đánh sâu vào thị trường Ấn Độ, "tấn công" vào 6 thị trường trọng điểm ở châu Âu, bành trướng thêm thị phần từ bờ Tây sang bờ Đông nước Mỹ, hình thành hệ thống sản phẩm đa phương thức xuyên Việt... Chủ tịch Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ cho biết ông đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào một sự bứt phá của ngành du lịch thông qua những chuyển biến về mặt chính sách và thực thi chính sách.

Du lịch bứt tốc ngay từ đầu năm- Ảnh 3.

Khách du lịch vui chơi giải trí tại đảo ngọc Phú Quốc

ẢNH: N.A

Dẫn câu chuyện ngành giao thông đang chứng kiến sự thay đổi "ngoạn mục" về ý thức tham gia giao thông của người dân, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng: Xã hội cần một sự trật tự nhất định để phát triển. Từ trước đến nay, giao thông phát triển theo kiểu điền vào chỗ trống, xe máy len vào đường ô tô, kẹt chỗ nào thì lo làm hạ tầng lấp vào chỗ đó… nên vấn nạn ùn tắc, tai nạn mãi không thuyên giảm. Ngành du lịch hiện cũng gặp phải tình trạng tương tự. Tốc độ phát triển thì có nhưng nội lực của DN Việt thì vẫn đang bị bào mòn khá nhiều, còn rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách. Dòng khách đông nhất hiện nay là khách Hàn Quốc nhưng các công ty nước ngoài đảm nhận hết, DN Việt gần như "trắng tay". Thị trường khách Nga cũng tương tự. Đó là lý do vì sao lượng khách đến đông nhưng doanh thu của các khu du lịch, các DN lữ hành, nhà hàng, khách sạn…vẫn rất ì ạch. Trong khi đó, các DN nội thì cạnh tranh, kinh doanh chồng chéo, không vì sự phát triển chung.

"Giao thông có Nghị định 168 thì môi trường kinh doanh cũng cần một nghị định tương tự để "phân luồng, phân tuyến", để hình thành một môi trường kinh doanh lành mạnh cho ngành du lịch, làm tiền đề cho sự phát triển và bứt phá trong giai đoạn tới. Nếu giao thông lộn xộn nhất mà trong một thời gian rất ngắn có chuyển biến rất mạnh thì không có lý gì kinh doanh chúng ta không sắp xếp lại luồng tuyến được. Đây là điều mang lại cho tôi rất nhiều kỳ vọng vào năm mới 2025 cũng như giai đoạn phát triển sắp tới của đất nước", ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ.

Hướng tới chiều sâu, hút dòng khách chất lượng

Theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, với định hướng tập trung vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu, du lịch VN thời gian tới sẽ chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ; tập trung xây dựng các sản phẩm ngày càng đẳng cấp để mang lại những giá trị trải nghiệm thực sự đặc sắc, ấn tượng cho du khách. Đồng thời, triển khai đồng bộ những nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành, thích ứng với điều kiện trong giai đoạn phát triển mới. Trong đó, sẽ tập trung thực hiện từ đổi mới phương thức xúc tiến quảng bá du lịch đến việc đề xuất những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hoạt động du lịch…

Dưới góc độ DN, với một số kinh nghiệm đã triển khai trong việc thu hút khách quốc tế đến Phú Quốc hay Bà Nà (Đà Nẵng), đại diện SunGroup cho rằng ngành du lịch cần ưu tiên cải thiện một số vấn đề, đầu tiên là chính sách visa. Dù chính sách visa của VN thời gian qua đã có cải thiện và tiến bộ, song so với các "đối thủ" trong khu vực, điển hình là Thái Lan thời gian qua đã nới lỏng visa 2 - 3 lần cho các thị trường khách trọng điểm như Trung Quốc, Ấn Độ, thì chính sách của VN vẫn còn rất khiêm tốn. Phú Quốc thời gian qua thành công trong việc hút khách quốc tế cũng bởi đây là hòn đảo miễn visa duy nhất tại VN.

Bên cạnh đó, cần tập trung tạo cơ chế đặc thù, ưu thế vượt trội cho các điểm đến có tiềm năng lớn thu hút khách quốc tế. Đơn cử như Phú Quốc, thời gian qua, nhờ có sự tham gia của các DN lớn, đầu tư mạnh tay để cải thiện cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, đặc biệt là tổ chức liên tục các show diễn và màn pháo hoa hằng đêm, đảo ngọc đã khẳng định sức hút mạnh mẽ chưa từng có, với lượng khách tăng kỷ lục dịp cuối năm và Tết Nguyên đán vừa qua. Tuy nhiên, từ đây cũng bộc lộ điểm hạn chế về hạ tầng giao thông, đặc biệt là sân bay của Phú Quốc. Lượng khách tăng cao kỷ lục với khoảng 22.000 lượt khách/ngày đã dẫn đến tình trạng quá tải và tắc nghẽn nhiều giờ, khiến du khách quốc tế ngán ngẩm và than phiền. Điều này lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý du khách khi chọn điểm đến Phú Quốc để quay lại hay để mời bạn bè đến đảo ngọc. Do đó, ngành du lịch và chính quyền địa phương cần nhanh chóng cải thiện, nâng cấp hạ tầng và dịch vụ để đáp ứng yêu cầu mới của sự tăng trưởng.

"Phú Quốc sẽ khó có thể trở thành "hub" du lịch quốc tế cao cấp như kỳ vọng, nếu hạ tầng sân bay - tức "cổng chào", cũng là ấn tượng đầu tiền của khách khi tới với một điểm đến, chưa đáp ứng xứng tầm. Chưa kể, tới đây, Phú Quốc còn được chọn là điểm đến của APEC 2025. Việc áp dụng một cơ chế đặc biệt để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng cho thành phố biển đảo này càng cần phải được quan tâm, chú trọng", vị này kiến nghị.

Ngoài ra, đại diện SunGroup đề xuất ngành du lịch cần đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng và các sản phẩm du lịch cao cấp để thu hút dòng khách hạng sang cùng những thị trường khách quốc tế tiềm năng mới. Hiện nay, sản phẩm du lịch dành cho thị trường khách Á Đông thì nhiều, nhưng lại rất ít sản phẩm cao cấp dành cho khách phương Tây và khách Hồi giáo như Ấn Độ.

Song song, cần triển khai sớm công tác xúc tiến quảng bá một cách linh hoạt, không chỉ bằng duy trì việc tham dự các hội chợ du lịch quốc tế hay thông qua các TVC quảng bá, mà bằng nhiều cách, nhiều phương thức, đặc biệt là đưa những ứng dụng công nghệ mới trong quảng bá, tiếp cận các thị trường khách quốc tế giàu tiềm năng và mới mẻ, ưu tiên các thị trường như: Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Úc hay Trung Đông, các nước nói tiếng Nga (CIS)...

Chúng ta có dư địa lớn về phát triển du lịch, nhất là các tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản được UNESCO công nhận… Du lịch VN sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, mang tầm của điểm đến để giới thiệu với bạn bè quốc tế, góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh

Nhìn từ kinh nghiệm thúc đẩy kinh tế đêm của Phú Quốc với các hoạt động show diễn công nghệ, show jetski kết hợp pháo hoa, show Rối Việt hay chợ đêm bên biển… Các hoạt động giải trí ban đêm tại Danang Downtown đã khuấy động mùa hè 2024 Đà Nẵng, cùng gói trải nghiệm tại Bà Nà Hills về đêm hiện vẫn đang được du khách yêu thích…, có thể thấy kinh tế đêm là đòn bẩy đặc biệt quan trọng để một điểm đến hấp dẫn 24/7 và 365 ngày trong năm. Do đó, chúng ta cần bắt tay hiện thực hóa đề án phát triển kinh tế đêm, để nó thực sự đi vào đời sống chứ không cứ mãi là một đề xuất trên giấy như hiện nay.

Đại diện SunGroup

Theo số liệu cập nhật của Ban Thư ký ASEAN, năm 2024, VN đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 98% so với năm 2019 thời điểm trước đại dịch Covid-19, gần như phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó, các quốc gia phát triển du lịch khác đều đạt mức thấp hơn khá nhiều. Đơn cử, Thái Lan phục hồi ở mức 88%, Singapore và Indonesia cùng phục hồi ở mức 86%, Philippines đạt mức 72%, Malaysia đạt mức 94%. Con số 17,6 triệu lượt khách quốc tế đến VN cũng vượt qua Singapore (16,5 triệu), vươn lên xếp thứ 3 sau Thái Lan (35 triệu) và Malaysia (dự kiến 24,5 triệu). Lượng khách quốc tế đến VN cao hơn nhiều so với Indonesia (dự kiến 13,8 triệu lượt) và Philippines (5,9 triệu lượt).

Du lịch bứt tốc ngay từ đầu năm- Ảnh 4.

 

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao