Đồng Tháp: Điểm đến du lịch sinh thái - nông nghiệp, nông thôn

Làng hoa Sa Đéc, điểm đến lý tưởng của du khách gần xa. ẢNH: TRẦN NGỌC

Làng hoa Sa Đéc, điểm đến lý tưởng của du khách gần xa

ẢNH: TRẦN NGỌC

Phát triển du lịch cộng đồng

Để phát triển du lịch, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, du lịch nông nghiệp, góp phần hình thành một số mô hình, điểm du lịch sinh thái mới như: điểm du lịch Tiên Sen (H.Thanh Bình), điểm du lịch Hoàng Sơn (H.Châu Thành), điểm du lịch Như Farmstay (H.Lấp Vò); mô hình chợ quê Tràm Chim (H.Tam Nông), chợ phiên làng nghề dệt choàng (H.Hồng Ngự)…

Ngoài ra, tỉnh đã quảng bá và xây dựng nhiều tour du lịch sinh thái mới, như: tour du lịch "Vườn quốc gia Tràm Chim - Có một nơi như thế", tour liên kết giữa các điểm du lịch làng bè Bình Thạnh - điểm tham quan Thiên Phú - chùa Tổ - làng du lịch Mỹ Xương (H.Cao Lãnh); tour tham quan gắn với làng nghề làm nem và nghề đóng ghe xuồng Lai Vung truyền thống đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; các tour về tham quan, trải nghiệm Vườn quýt hồng (Lai Vung); tour tham quan "Theo dấu người tình, Sa Đéc tình đất - tình hoa"; tour du lịch "Sắc màu vùng biên - Đất sen hồng"… giúp du khách đa dạng trong việc lựa chọn khi đến Đồng Tháp.

Du khách check-in tại làng hoa Sa Đéc. ẢNH: TRẦN NGỌC

Du khách check-in tại làng hoa Sa Đéc

ẢNH: TRẦN NGỌC

Thông qua việc hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự tham gia của người dân, đến nay, có 165 điểm du lịch được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là điểm du lịch cộng đồng. Đồng thời, thông qua các sự kiện, lễ hội được tổ chức như Festival hoa - kiểng Sa Đéc, lễ hội sen Đồng Tháp, lễ hội Gò Tháp, ngày hội cá tra… đã tạo ra động lực thúc đẩy lĩnh vực du lịch và các ngành dịch vụ khác của tỉnh phát triển.

Từ các hoạt động được triển khai, trong năm 2024, Đồng Tháp ước thu hút 4,2 triệu lượt khách du lịch, tăng hơn 4,2% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế tăng gấp 5,4 lần. Doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỉ đồng, tăng hơn 5,2% so với năm 2023.

Du khách thích thú với nhiều giống hoa mới lạ tại làng hoa Sa Đéc. ẢNH: TRẦN NGỌC

Du khách thích thú với nhiều giống hoa mới lạ tại làng hoa Sa Đéc

ẢNH: TRẦN NGỌC

Hơn 1.000 tỉ đồng đầu tư phát triển du lịch

Cuối năm 2023, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đã ký ban hành Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, với tổng kinh phí hơn 1.008 tỉ đồng. Trong đó, danh mục các dự án ưu tiên thực hiện lĩnh vực du lịch 461 tỉ đồng. Đây thực sự là cơ hội và động lực để du lịch Đồng Tháp bứt phá trong thời gian tới.

Mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2027 hoàn thành xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: sen Tháp Mười, xoài Cao Lãnh, cá tra Hồng Ngự, hoa Sa Đéc, quýt hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành. Phấn đấu đến năm 2030, Đồng Tháp trở thành điểm đến có thương hiệu mạnh của cả 6 trụ cột trọng tâm phát triển (chính quyền, du lịch, nông nghiệp, cơ hội đầu tư, cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp) có sức cạnh tranh lớn trong vùng ĐBSCL. Đề án đã định hình các không gian, nhóm, loại hình du lịch cụ thể cho tỉnh.

Du khách tham quan khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, H.Cao Lãnh, Đồng Tháp. ẢNH: HIẾU MINH VŨ

Du khách tham quan khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, H.Cao Lãnh, Đồng Tháp

ẢNH: HIẾU MINH VŨ

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2025, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hướng xanh, bền vững, phát huy định vị thương hiệu du lịch Đồng Tháp gắn với nâng cao hình ảnh địa phương và nâng tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế. Từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Năm 2025, phấn đấu thu hút 5 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có 60.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu du lịch đạt 2.100 tỉ đồng.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao