Ngày 26.11, lãnh đạo Sở KH-ĐT tỉnh Lâm Đồng cho biết đang lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan về hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, phục hồi cảnh quan khu du lịch (KDL) hồ Than Thở (P.12, TP.Đà Lạt) và việc tăng vốn từ 30 tỉ đồng lên 4.500 tỉ đồng để xây dựng khu đô thị nghỉ dưỡng cao cấp, tham quan giải trí, trong đó có tổ hợp khách sạn 5 sao bên hồ Than Thở của chủ đầu tư (CĐT).
Dự án nâng cấp, phục hồi cảnh quan KDL hồ Than Thở (là di tích thắng cảnh quốc gia), có quy mô 118ha, trong đó gần 32ha là khu vực bảo vệ di tích, còn lại là khu vực nâng cấp, tôn tạo và khai thác.
CĐT đề xuất kéo dài thời gian thực hiện dự án từ 2024 đến năm 2027. Tiến độ thực hiện 2 giai đoạn: giai đoạn 1 sử dụng khoảng 39ha; giai đoạn 2 sử dụng khoảng 79ha, trong đó có khoảng hơn 22ha đất phục vụ lưu trú, nghỉ dưỡng.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị tỉnh Lâm Đồng làm rõ việc Công ty TNHH Thùy Dương (Công ty Thùy Dương), CĐT dự án nâng cấp, phục hồi cảnh quan KDL hồ Than Thở đề xuất xây biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, trong đó có tổ hợp khách sạn 5 sao bên hồ Than Thở để bán và cho thuê.
Bộ Xây dựng cho rằng dự án có mục tiêu nâng cấp, phục hồi cảnh quan hồ nhưng lại lồng ghép xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng, khu liền kề nghỉ dưỡng, khách sạn nên cần có ý kiến của tỉnh Lâm Đồng và Bộ VH-TT-DL.
Xung quanh vấn đề này, ông Bùi Quang Sơn, quyền Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết căn cứ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại QĐ 704, ngày 12.5.2014), trong đó khu vực 39ha đã giao cho nhà đầu tư được quy hoạch là đất công viên cảnh quan và mặt nước (đã có Quy hoạch chi tiết (QHCT) tỷ lệ 1/500).
Khu vực còn lại diện tích khoảng 79ha được quy hoạch phần lớn là đất du lịch hỗn hợp, một phần đất công viên cảnh quan và mặt nước. Do đó, việc CĐT đề nghị điều chỉnh bổ sung mục tiêu và chức năng nhằm phục vụ, phát huy giá trị thắng cảnh là cần thiết (cụ thể ở bước QHCT) là cơ bản phù hợp.
Tuy nhiên, dự án này gắn với khu di tích thắng cảnh hồ Than Thở, nên các đề xuất đảm bảo tuân thủ quy định của luật Di sản, luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan. Theo ông Sơn, định hướng trong quy hoạch chung TP.Đà Lạt ở khu vực này không đề cập đến việc "hình thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế và khu vực".
Ông Sơn cho biết thêm, theo qui trình của luật Di sản thì cơ quan quan có thẩm quyền xem xét việc xây dựng khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn... là Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL quyết định, còn tỉnh Lâm Đồng rất thận trọng và chưa đồng tình với đề xuất của CĐT.
Công tác lập QHCT đối với khu vực có diện tích khoảng 78,94ha, theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20.6.2023 của Chính phủ, không quy định việc thực hiện công tác lập QHCT trước hoặc sau khi lập hồ sơ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, chỉ quy định các trường hợp trong phạm vi phát triển đô thị phải lập QHCT để cụ thể hóa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và triển khai các công việc khác theo quy định của pháp luật liên quan.
Còn theo quy định của luật Quy hoạch đô thị thì "CĐT dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập QHCT khu vực được giao đầu tư" và "Đồ án QHCT đã được phê duyệt là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng" (khoản 4 Điều 30).
Do đó, đối với dự án Nâng cấp, phục hồi cảnh quan KDL hồ Than Thở đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án là thuộc trường hợp phải lập QHCT (sau khi đồ án Quy hoạch phân khu được phê duyệt).
Sở Xây dựng Lâm Đồng cũng lưu ý việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL và không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.
Khu vực hồ Than Thở ngày xưa có một cái ao gọi là Tơnô Pang Đòng. Vào năm 1917, người Pháp đắp đập, xây dựng hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt cho TP.Đà Lạt, hình thành nên hồ rộng. Người pháp đặt tên hồ là Lacdes Soupirs với nghĩa tiếng rì rào, nhưng khi dịch sang tiếng Việt lại dịch theo nghĩa than thở.
Năm 1997, tỉnh Lâm Đồng cho phép Công ty Thùy Dương (TP.HCM) bỏ vốn trồng rừng, nạo vét lòng hồ, chống bồi lắng và xây dựng các khu vui chơi giải trí nhằm bảo toàn thắng cảnh và phục vụ khách tham quan.
Năm 1999, hồ Than Thở được nhà nước công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.