Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 11 đạt 1,7 triệu lượt, cao nhất từ đầu năm đến nay, tăng 20,5% so với tháng 10.2024 và tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 15,8 triệu lượt, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.
Về quy mô thị trường, châu Á đóng góp gần 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam (trước đại dịch, tỷ lệ này vào khoảng 60 - 70%). Riêng 4 thị trường lớn ở Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đóng góp tới 60% (trước kia vào khoảng 50%).
Trong 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam, Hàn Quốc là thị trường gửi khách số một với 4,1 triệu lượt (chiếm 26,1%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 3,3 triệu lượt (chiếm 21,2%). Đài Loan xếp thứ 3 (1,1 triệu lượt), Mỹ xếp thứ 4 (706.000 lượt), Nhật Bản xếp thứ 5 (656.000 lượt). Tiếp theo là Ấn Độ, Malaysia, Úc, Campuchia, Thái Lan.
Các thị trường khách lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính cho sự tăng trưởng lượng khách quốc tế. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng 122,0% so với cùng kỳ năm 2023, Hàn Quốc (tăng 28,3%), Nhật Bản (tăng 24,4%), Đài Loan (tăng 55,3%). Ngoài ra, các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á cũng tăng trưởng tốt, như Indonesia (tăng 78,3%), Philippines (69,8%), Lào (14,8%), Campuchia (15,1%), Malaysia (5,3%)…
Các thị trường Âu - Mỹ - Úc tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày áp dụng từ 15.8.2023 (đối với các nước châu Âu). Tuy nhiên, nhiều thị trường khách Âu - Mỹ - Úc (tính chung là thị trường xa) vẫn chưa phục hồi hoàn toàn lượng khách như trước đại dịch, trong khi khách đến từ châu Á đã tăng mạnh nên dẫn tới chênh lệch cơ cấu khách quốc tế của Việt Nam quá lớn (thị trường gần của châu Á chiếm tới 80%).
Năm 2024, Việt Nam dự kiến đón 17 - 18 triệu khách quốc tế và Cục Du lịch nhận định sẽ hoàn thành con số này.