Đại diện khu di tích lịch sử địa đạo Phú Thọ Hòa cho biết, ngày 23.9.1945 cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ bắt đầu, ý đồ của giặc Pháp là tiêu diệt hết lực lượng và cơ sở cách mạng quanh vành đai thành phố. Để đối phó với hoạt động của địch, tại xã Phú Thọ Hòa ủy ban kháng chiến xã Phú Thọ Hòa được thành lập.
Các cán bộ, chiến sĩ nhận định cuộc kháng chiến sẽ lâu dài, gay go vì vậy, đã chủ trương xây dựng và phát triển hệ thống đường giao thông hào, đào địa đạo chiến để cán bộ và lực lượng vũ trang bám đất, bám dân chiến đấu, giữ vững cơ sở cách mạng làm bàn đạp tấn công vào thành phố.

Ở Q.Tân Phú (TP.HCM) có một địa đạo được xem là lâu đời nhất miền Nam (từ năm 1947), từng là căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ
Ảnh: Phạm Hữu

Khi xưa, địa đạo Phú Thọ Hòa được xây dựng tại thôn Lộc Hòa và vùng phụ cận

Đường hầm địa đạo có chiều dài tổng cộng 10 km, bắt đầu từ ấp Lộc Hòa kéo dài đến ấp Bình Long qua Bình Hưng Hòa đến Gò Đậu (Tân Sơn Nhì)

Tại cụm địa đạo Phú Thọ Hòa có 2 tầng được đào sâu dưới lòng đất đến 4 m, có 3 hầm đào rộng, có thể chứa được 7 người hoặc chứa lương thực, vũ khí. Khuôn viên chính giữa rộng lớn còn dùng làm phòng họp, nơi phát nhiều chỉ thị trong 2 cuộc chiến tranh



Để đảm bảo bí mật, địa đạo được đào vào ban đêm. Mỗi tổ đào gồm 3 người, cách nhau 10m, đào sâu xuống đất 3m, rồi đào thông nhau tạo thành địa đạo

Tuy nhiên, về sau, đoạn hầm địa đạo này đã được lấp lại, chỉ duy nhất khu địa đạo dài 100 m ở Phú Thọ Hòa được bảo tồn và gìn giữ

Lòng địa đạo cao 1 mét, rộng 0,6 - 0,8 m, chỉ một người chui vừa

Địa đạo Phú Thọ Hòa hiện chỉ còn lại 3 cửa lên xuống chính và trong lối đi còn các ngách nhỏ
Do đó, vào năm 1947, địa đạo Phú Thọ Hòa được xây dựng tại thôn Lộc Hòa và vùng phụ cận, nay tọa lạc tại số 139 đường Phú Thọ Hòa (P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM).
Sở dĩ lực lượng cách mạng chọn nơi đây vì có đặc điểm đất cao, cây cối rậm rạp, địa hình địa vật phức tạp… Đường hầm địa đạo bắt đầu từ ấp Lộc Hòa kéo dài đến ấp Bình Long qua Bình Hưng Hòa đến Gò Đậu (Tân Sơn Nhì), chiều dài địa đạo hơn 10 km.
Trên mặt đất được đào thêm hầm chiến đấu lộ thiên hình chữ L và giao thông hào, trồng thêm tre, dứa dọc theo bờ tạo thành địa hình địa vật chiến đấu liên xã chống thực dân Pháp xâm lược.
Địa đạo Phú Thọ Hòa đầu tiên chỉ là những chiếc hầm ếch, loại hầm ngõ cụt khó thoát và chỉ vừa một người chui. Dần dần được cải tiến thành đường hầm xe lửa 2 ngăn và tiếp tục phát triển thành hệ thống địa đạo liên xã kéo dài trên 10 km.
Địa đạo có 2 tầng được đào sâu dưới lòng đất đến 4 m. Trong đó, có 3 hầm đào rộng, có thể chứa được 7 người hoặc chứa lương thực, vũ khí. Lòng địa đạo cao 1 mét, rộng 0,6 - 0,8 m, dài gần 700 mét, hai bên có nhiều ngách đi sang nhiều hướng khác nhau.
Trong lòng hầm cứ khoảng 20 mét thì có 1 vách ngăn, ở giữa có khoét 1 lỗ đường kính 0,5 m, vừa một người chui qua và cứ thế nối tiếp nhau đi từ ấp này sang ấp khác.
Cách thức đào hầm từ 2 điểm ở đầu, hai tổ đào thẳng về điểm trung tâm. Điều đặc biệt thú vị là từ 2 đầu làm sao mà định hướng cho đúng để đào cho đúng đến điểm trung tâm mà cái thời không hề có công nghệ định hướng hỗ trợ.

Hệ thống thông gió, lấy oxy từ trên xuống hầm. Khi xưa hệ thống này được ngụy trang trong bụi tre nên rất khó phát hiện


Hệ thống thông gió được nối trực tiếp từ mặt đất xuống hầm

Ngoài địa đạo thì hệ thống giao thông hào cũng được đào từ năm 1945. Mục đích của hào là bảo vệ lực lượng cách mạng, xuất phát tấn công giặc

Hệ thống hào được tái hiện lại ở khu di tích lịch sử Phú Thọ Hòa

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lực lượng cách mạng phải lẩn trốn bên dưới các hầm bí mật trong những cuộc truy quét của quân địch
Cũng theo đại diện di tích này, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, địa đạo đã che giấu hàng ngàn cán bộ chiến sĩ cách mạng như: chi đội 12, tiểu đoàn Ký Con, Ngô Gia Tự, biệt động thành... Đồng thời, đây là nơi đảm bảo cho nhiều cán bộ quân dân chính Đảng các cấp về nội thành hoạt động dừng chân tại đây.
Sau năm 1954, người dân Phú Thọ Hòa bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, địa đạo Phú Thọ Hòa một lần nữa bị quân đội Mỹ càn quét nhằm tìm và tiêu diệt lực lượng cách mạng.
Từ năm 1967 – 1975, địa đạo không còn được sử dụng làm nơi ém quân nhưng các hầm bí mật vẫn được sử dụng để phục vụ làm cơ sở hoạt động bí mật.
Tuy nhiên, về sau này, đoạn địa đạo dài 10 km đã không còn. Đến năm 1985, Q.Tân Bình đã phục chế một đoạn địa đạo dài khoảng 100 m trong khuôn viên hơn 4.000 m2. Đến năm 1996, nơi đây được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.